Đi tìm tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam

(VOV5) - Ngày 5/6 này là kỷ niệm tròn 105 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Người ra đi lúc ấy chẳng mang theo gì ngoài đôi bàn tay trắng và tấm lòng yêu nước bao la. Nhưng khi trở về, Người đã mang theo cả bầu trời tươi sáng và tương lai rực rỡ cho dân tộc.

Ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống chiếc tàu Latouche Treville, rời bến cảng Nhà Rồng, thành phố Hồ Chí Minh, để “tìm đường đi cho dân tộc”. Vì muốn tìm hiểu và khảo nghiệm thực tế diễn ra trong lòng chế độ tư bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn con đường sang phương Tây, nơi sản sinh những tư tưởng lớn, những cuộc cách mạng lớn với mong muốn “xem nước Pháp và các nước khác thế nào rồi trở về giúp đồng bào.


Xuất phát điểm đúng đắn

Ngày 5/6/1911 mở đầu một chặng đường 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh bôn ba khắp các châu lục để tìm kiếm con đường cứu nước. Bà Nguyễn Thúy Đức, Quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết: Tinh thần yêu nước và ý thức phản đế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ cốt lõi là quan hệ giữa người với người: “Khi ra đi Người mang theo hành trình không thể thiếu đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống cách mạng quê hương và tất cả những điều đó lại được nuôi dưỡng, khích lệ, vun trồng trong truyền thống của gia đình. Điểm nhấn trong hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tuổi trẻ với những khát vọng lớn lao, vì lợi ích của dân tộc này, vì đất nước mình, bên cạnh đó là sự hòa đồng với thế giới để phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu bằng hành trình rất thực tiễn đó là đến với người dân lao động và chính từ thực tế đó, Người đã có nhận thức sâu đậm về quyền của con người, quyền của các dân tộc được sống, được hạnh phúc”.

Đi tìm tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam - ảnh 1
Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu



Cho đến nay, những câu chuyện kể về những tháng ngày lao động vất vả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua khi làm phụ bếp trên tàu thủy vượt đại dương, làm thợ chụp ảnh, thợ cào tuyết, bồi bàn... vẫn làm rung động con tim bao người. Để tìm ra con đường soi sáng cho tương lai đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua những đêm lạnh giá của châu Âu với viên gạch ủ nóng thay cho lò sưởi và chưa bao giờ chùn bước trước những khó khăn, gian khổ trên hành trình bôn ba khắp các châu lục này.


Đặt lợi ích dân tộc và đất nước lên trên hết

Giáo sư, tiến sỹ Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng ý chí và nghị lực là hai yếu tố rất quan trọng giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất dương tìm đường cứu nước. Và cũng chính ý chí, nghị lực đã giúp người thanh niên ấy vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ trong hành trình bôn ba suốt 30 năm xa quê hương. Một trong những nhân tố quyết định thành công con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người luôn đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết: “Yếu tố quyết định sự thành công của con đường cứu nước đấy chính là hai chữ dân tộc. Tại Đại hội thành lập Đảng cộng sản Pháp năm 1920, Người đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và có phát biểu quan trọng, ủng hộ Quốc tế 3, ủng hộ khuynh hướng Macxít vì bênh vực dân tộc thuộc địa, trong đó có Tổ quốc của Nguyễn Ái Quốc. Suy ra là nếu như lý thuyết có thể hay hơn thế nhưng không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì Chủ nghĩa Mác cũng không chạm tới trái tim của Nguyễn Ái Quốc. Cho nên yếu tố quan trọng nhất là Người yêu nước, vì lợi ích dân tộc”.

Đi tìm tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam - ảnh 2
Bến Nhà Rồng. Ảnh tư liệu



Sau nhiều năm tháng bôn ba và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc và sự kiện ngày 5/6/1911 có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tiến sĩ Lê Đình Năm, Phó trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho rằng: con đường Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn là con đường duy nhất đúng đắn, bảo đảm cho dân tộc Việt Nam có nền độc lập thực sự, đất nước Việt Nam phát triển ổn định, phồn vinh, nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hành trình đi tìm đường cứu nước, những tư tưởng lớn của Người cũng như tác phong giản dị mà thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng. Tiến sĩ Lê Đình Năm khẳng định: “Đảng cộng sản Việt Nam nhận thức về vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh từ rất sớm. Gần đây nhất khi Đảng ta nhận thấy không chỉ học tập tư tưởng Hồ chí Minh mà còn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng ta ngày càng thấy được tầm quan trọng của tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội.


Sự lựa chọn đúng đắn và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chặng đường 30 năm đi tìm đường cứu nước đã củng cố thêm niềm tin để dân tộc Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.Vững bước trên con đường Người đã chọn, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không chỉ là niềm tin mà còn thể hiện trong việc làm hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác