(VOV5) - Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Singapore, sáng 30/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và có bài phát biểu chính tại Singapore Lecture 38.
Đây là diễn đàn uy tín hàng đầu của Singapore, do Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức. Trước 550 học giả quốc tế và nhiều lãnh đạo, chính trị gia của Chính phủ Singapore, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết, chung sức hành động để cùng phát triển bền vững. Đài Tiếng nói Việt Nam trích giới thiệu nội dung chính bài phát biểu này.
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Singapore Lecture 38. |
Đánh giá về tình hình khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới. Cả khu vực đang nỗ lực vươn lên, thúc đẩy các sáng kiến liên kết, hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Chủ tịch nước cho rằng, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông, đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực.
Đoàn kết, chung tay hành động để biến ước vọng thành hiện thực
Dẫn lời Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói: “Bạn không thể chỉ đưa ra những lời hứa hẹn mà bạn phải thực hiện những điều bạn nói”, Chủ tịch nước cho rằng con đường duy nhất để biến ước vọng thành hiện thực là tất cả quốc gia đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi: “Đó chính là mục tiêu của ASEAN. Nhiều năm qua, với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh... Đến nay, ASEAN đã rất thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới. Một cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc với vai trò trung tâm của ASEAN là phù hợp và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên".
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, vững vàng trước những khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước cho rằng ASEAN cần tăng cường gắn kết về chính trị, tập trung thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung, đẩy mạnh liên kết về kinh tế, văn hóa - xã hội để tạo nên sức mạnh của Cộng đồng.
Khẳng định đoàn kết, trong đó có đoàn kết quốc tế là “truyền thống quý báu và bài học lớn” của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng những bài học kinh nghiệm này có ảnh hưởng sâu sắc đến đường lối, chính sách đối ngoại và hành động của Việt Nam: “Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Theo đó Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác lớn, đối tác quan trọng, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế".
Trong vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử giữa các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore
Nhận định về quan hệ Việt Nam-Singapore, Chủ tịch nước bày tỏ sự khâm phục sự phát triển kinh tế xã hội của Singapore từ ngày lập nước đến nay. Chủ tịch nước cho rằng đây là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, trong các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam và Singapore cùng có lợi ích rất căn bản trong việc xây dựng ASEAN vững mạnh và hệ thống đối tác tin cậy, duy trì một trật tự quốc tế hòa bình, ổn định, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế: "Việt Nam mong muốn cùng Singapore thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trên các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, hợp tác trên biển, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Mục tiêu của quan hệ đối tác chiến lược hai nước chúng ta không gì khác là Singapore thịnh vượng, Việt Nam phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn thịnh, hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương".
Cuối cùng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn qua cuộc trao đổi, các các nhà lãnh đạo, chính trị gia, thành viên nội các, giáo sư, nhà nghiên cứu cùng hiểu rõ hơn về các vấn đề khu vực và quốc tế liên quan tới chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Singapore để từ đó có thêm những hoạt động hợp tác cụ thể, cùng chung sức vì lợi ích chung.