Đoàn kết là sức mạnh

(VOV5) - Như tin đã đưa, sau hàng loạt các hoạt động ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, đặc biệt là các cuộc tham vấn trực tiếp với các Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Philippin và Campuchia, ngày 20/7, ngoại trưởng các nước ASEAN đã nhất trí thông qua “Nguyên tắc chung 6 điểm về biển Đông”. Văn bản này thêm một lần nữa chứng minh sự đoàn kết, nhất trí là những nhân tố quyết định làm nên sức mạnh và sức hấp dẫn của một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới. 


Đoàn kết là sức mạnh - ảnh 1
Sự đoàn kết và các nguyên tắc của ASEAN về biển Đông được khẳng định qua bản nguyên tắc 6 điểm - Ảnh: AFP


Có thể khẳng định rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông là quan tâm chung của các nước ASEAN cũng như của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vấn đề biển Đông không phải chỉ là vấn đề song phương giữa một vài nước ASEAN và Trung Quốc. Nhận thức rõ điều này, ngoại trưởng Indonesia, ông Marty Natalegawa đã hoạt động tích cực trong chuyến công du con thoi khắp Đông Nam Á trong tuần qua để thuyết phục các thành viên ASEAN ủng hộ một tuyên bố chung của khối về vấn đề Biển Đông.

Trong cuộc họp báo quốc tế chiều 20/7 tại Thủ đô Phnom Penh, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong đã công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”. Theo đó, các Ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với 6 nguyên tắc gồm: Thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông năm (DOC) ; Hướng dẫn thực hiện DOC ; Sớm kết thúc Bộ luật ứng xử ở Biển Đông (COC); Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS); Tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên; và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong khẳng định: "Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN quyết tâm tăng cường tham vấn trong ASEAN để thúc đẩy các biện pháp đã nêu trong nguyên tắc, phù hợp với Hiệp ước Hợp tác và thân thiện ở Đông Nam Á năm 1976 và Hiến chương ASEAN năm 2008".

Việc nước Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” đã xua tan những hoài nghi về sự bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên Hiệp hội trong vấn đề Biển Đông nổi lên từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) kết thúc cách đây 1 tuần ở Phnom Penh mà không đưa ra được Tuyên bố chung. Việc thông qua “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông” thể hiện Hiệp hội ASEAN vẫn đoàn kết, nhất trí và tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề “nóng” của khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông. Nguyên tắc này cho thấy sự đồng thuận của tất cả 10 nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, tạo cơ sở để đảm bảo các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế trong hành xử ở Biển Đông và khẳng định các hành vi vi phạm những nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng tới ASEAN. Những điểm chính của “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” một lần nữa chứng minh rằng giữa các thành viên ASEAN có thể có những khác biệt ban đầu song cuối cùng tất cả đều đặt lợi ích chung của Hiệp hội lên trên để tìm tiếng nói chung dù vấn đề đặt ra có phức tạp và nhạy cảm đến đâu. Đối với Việt Nam, đây cũng chính là lập trường nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định lợi ích quốc gia không thể tách rời khỏi lợi ích của khu vực. Không phải chỉ những quốc gia có biển mới liên quan mà tất cả các nước thành viên cần tăng cường chia sẻ trách nhiệm duy trì hòa bình trên Biển Đông. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho rằng: "Thứ nhất là làm sao phải đảm bảo được việc thực hiện luật pháp quốc tế, trong đó có vấn đề tôn trọng chủ quyền độc lập quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không sử dụng vũ lực. Thứ hai là ASEAN phải thúc đẩy và phát huy hơn nữa vai trò của các công cụ, các phương tiện, các diễn đàn liên quan đến chính trị, an ninh và hợp tác phát triển khu vực, nổi lên là Hiệp ước Hợp tác và thân thiện ở Đông Nam Á, khu vực phi vũ khí hạt nhân và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như các diễn đàn của ASEAN. Tất cả những điều này là cần thiết".

Không có thành viên ASEAN nào là cường quốc tầm cỡ toàn cầu song các thành viên đoàn kết lại trong một thể thống nhất của một hiệp hội thì ASEAN lại có sức mạnh và sự hấp dẫn đối với tất cả các cường quốc lớn trên thế giới. Chỉ có thể có một ASEAN đóng vai trò trung tâm trong khu vực nếu bản thân ASEAN đoàn kết và thống nhất. Do đó, việc nhất trí thông qua “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh của ASEAN chính là ở sự đoàn kết và nhất trí. “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” của ASEAN lần này đã góp thêm một tiếng nói chung của ASEAN trong chặng đường hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng vào năm 2015. /.

Phản hồi

Các tin/bài khác