Đổi mới công tác dân vận, đáp ứng nhu cầu đất nước hội nhập

(VOV5) - Công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và được xem là nhiệm vụ chính trị của các tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Hội nghị triển khai công tác dân vận 2014 do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương với nội dung “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận” được tổ chức trong 2 ngày 25 và 26/2 tại Hà Nội. 

Công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và được xem là nhiệm vụ chính trị của các tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác dân vận trong thời kỳ mới chính là tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Mục tiêu lớn nhất của công tác dân vận trong tình hình mới là củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Theo đó, các cấp ủy đảng phải tiếp tục học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong thời kỳ mới”.


Đổi mới công tác dân vận, đáp ứng nhu cầu đất nước hội nhập - ảnh 1
Đại diện các Đảng ủy trực thuộc ký giao ước thi đua thực hiện "Năm Dân vận - 2014" (Ảnh: HM)


Để làm tốt công tác dân vận, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải gần dân, hiểu dân, gương mẫu để người dân noi theo. Ông Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng Ủy khối các cơ quan Trung ương, cho rằng: “Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị định kỳ phải tổ chức đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động để nắm tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu ý kiến đóng góp và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của dân, biết lắng nghe ý kiến nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói phải đi đôi với làm”.

Công tác dân vận của Đảng hướng đến công bằng giữa các giai tầng xã hội, dân tộc, tôn giáo, giới... trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Mỗi một đối tượng khác nhau đòi hỏi phương thức đổi mới dân vận cũng phải khác nhau.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức Đảng

Công tác dân vận trong năm 2014 tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân; tuyên truyền thuyết phục tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đoàn kết toàn dân. Các cấp ủy Đảng đưa nội dung công tác dân vận vào chương trình công tác kế hoạch hàng tháng, hàng quý và cả năm. Theo ông Nguyễn Duy Việt, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, trong xây dựng chính sách phải coi trọng lấy ý kiến của nhân dân, bảo đảm nguyên tắc thuận với lòng dân:  “Công tác dân vận của chính quyền trước hết bắt đầu từ quan điểm vì dân. Phải từ lúc xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, rồi tuyên truyền phổ biến làm cho dân thấu hiếu đến việc khéo vận động nhân dân thực hiện cơ chế, chính sách, chủ trương của Đảng và lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân”.

Đổi mới công tác dân vận, đáp ứng nhu cầu đất nước hội nhập - ảnh 2
Công an xã A Mú Sung ( huyện Bát Xát) tuyên truyền pháp luật cho người dân (Ảnh: baolaocai.vn)

Để đổi mới hiệu quả công tác dân vận cũng cần đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước, vận động toàn dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đẩy mạnh công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước

Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước được coi là khâu đột phá trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Thế Trung, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, đặc biệt chú trọng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: “Tôi cho rằng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phải được làm thường xuyên, liên tục, để làm sao mỗi cơ quan đơn vị đều quan tâm và thực hiện tốt quy chế dân chủ. Nếu thực hiện tốt quy chế dân chủ nghĩa là phát huy được sức mạnh của cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân, đoàn kết tốt hơn. Trong quy chế dân chủ cơ sở, người dân rất quan tâm và đòi hỏi là phải cải cách tốt thủ tục hành chính, lấy mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho cải cách thủ tục hành chính”.

Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền có vai trò điều hành thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng có vai trò giám sát phản biện để thực hiện quyền làm chủ của người dân. Đổi mới công tác dân vận, đa dạng hóa các hình thức dân vận nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và hội nhập./.


Phản hồi

Các tin/bài khác