(VOV5) - Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá 11, vừa kết thúc tại Hà Nội là đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định. Trong nhiều giải pháp đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam, vấn đề tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức được coi là hướng đi quan trọng nhất.
Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá 11, tại Hội nghị lần thứ 7 mới đây nhận định bộ máy Nhà nước của Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở tuy đã có nhiều đổi mới nhưng còn chưa hợp lý, nhiều đầu mối và tầng nấc trung gian. Mục tiêu tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu đề ra. Chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là một thực tế. Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, người trực tiếp tham gia Ban chỉ đạo của Trung ương xây dựng Đề án “Đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam” trình Hội nghị Trung ương 7, cho biết: “ Hệ thống chính trị ở Việt Nam rất to, rất cồng kềnh nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Thứ hai là ngân sách thấp nhưng biên chế công chức, viên chức từ Trung ương đến xã, phường cực kỳ lớn. Chính vì thế mà lương của công chức thấp. Đó là mâu thuẫn cần phải giải quyết. Hệ thống chính trị này là để phục vụ dân. Muốn đạt được mục tiêu đó thì trước hết phải tinh giản bộ máy, gắn với hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng hoạt động”.
|
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương. (Ảnh:anninhthudo) |
Theo tinh thần của Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề làm sao hoà nhập với xu hướng của thế giới hiện nay để xây dựng một Chính phủ hiệu quả được Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thống nhất cao. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tôi cho rằng, muốn tinh gọn bộ máy, trước hết, chúng ta phải rà soát lại bộ máy xem bộ máy nào thực sự cần thiết và chức năng phải rõ ràng. Thứ hai, là quy định từng vị trí để người thực thi công vụ biết được họ phải làm gì. Thứ ba, những dịch vụ nào không nhất thiết phải bộ máy hành chính quản lý thì chuyển cho các tổ chức xã hội”
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, cần thống nhất quan điểm vì việc mà đặt người chứ không phải vì người mà đặt việc. Công việc đòi hỏi đến đâu thì bố trí cán bộ thực thi đến đó. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Khắc Việt, Giám đốc Học viện xây dựng Đảng, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, kiến nghị: “ Đối với bộ máy cán bộ, công chức, để nâng cao chất lượng, chúng tôi kiến nghị phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, chức danh thì mới đánh giá được ai làm tốt, ai làm không tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu việc khoán quỹ lương. Một số địa phương đã làm ở cấp cơ sở và có hiệu quả. Tôi đề nghị tổng kết những mô hình này để làm ở cấp cao hơn. Mặt khác, chúng ta cần tăng quyền cho người đứng đầu. Bây giờ chúng ta cứ giao cho người đứng đầu quản lý một đội ngũ cán bộ, công chức nhưng họ lại không có nhiều quyền trong đánh giá, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức.”
Đổi mới hệ thống chính trị, theo tinh thần Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá 11, bao gồm rất nhiều việc phải làm như: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, củng cố tổ chức bộ máy đồng bộ với việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội… Trong đó, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức là những vấn đề quan trọng đã và đang được thực hiện để nâng cao hiệu lực của cả hệ thống chính trị./.