(VOV5)- Năm 2013 đang dần khép lại với những hoạt động ngoại giao phong phú và sôi động. Nhìn lại một năm qua có thể thấy hoạt động đối ngoại đã được triển khai sâu rộng và đã đem lại những kết quả cụ thể. Không chỉ góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước, tranh thủ nguồn lực cho công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa mà còn hỗ trợ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng Cộng Sản Việt Nam, thời gian qua, đối ngoại Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, năm 2013 đối ngoại Việt Nam đã ghi dấu đậm nét với những thành tựu mang tính toàn diện trên cả 3 mục tiêu là phát triển, an ninh và vị thế. Quan hệ đối ngoại được thúc đẩy trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, văn hóa…, với mọi đối tác ở mọi châu lục, cả quan hệ song phương lẫn quan hệ đa phương.
Xác lập khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng
Năm 2013, với việc tiếp tục xác lập quan hệ đối tác chiến lược với Italy, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Pháp, Việt Nam đến nay đã thiết lập được tổng cộng 13 quan hệ Đối tác chiến lược. Ngoài ra, năm qua, Việt Nam cũng thiết lập thêm quan hệ Đối tác toàn diện với Australia và Hoa Kỳ, nâng tổng số quan hệ Đối tác toàn diện của Việt Nam lên 11 nước.
|
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) đang hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 25/7. Ảnh: AP |
Đáng chú ý, sau 67 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Harry S.Truman khi đó, bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác đầy đủ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Hoa Kỳ lần đầu tiên được nâng lên mức Đối tác toàn diện, mở ra một thời kỳ hợp tác song phương mới giữa hai nước, ở mức độ tin cậy chính trị cao hơn.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường nhận định: Với việc xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ với nội dung gồm 9 lĩnh vực hợp tác, thì lần đầu tiên sau nhiều năm, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành việc xác lập một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các đối tác quan trọng nhất trên thế giới. Đáng chú ý là trong đó có cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc,những nước nòng cốt trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp đã tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chịu nhiều tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, thu hút FDI của Việt Nam năm 2013 vẫn đạt con số ấn tượng, hơn 20 tỷ USD, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vận động chính trị-ngoại giao cũng tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do then chốt và công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Chúng ta đã vận động thêm được 14 nước, nâng tổng số nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam lên 43 nước, trong đó có 8 nước G-20. Hiện nay, ta đang đàm phán 6 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các đối tác quan trọng trong các khuôn khổ đa phương và song phương, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh hợp tác, chúng ta cũng kịp thời đấu tranh với các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại, góp phần bảo vệ nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta trong các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu...
Bảo vệ lợi ích dân tộc, nâng cao vị thế của quốc gia
Bằng những chủ trương và giải pháp thích hợp, trên cơ sở thiện chí, tinh thần hợp tác và tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, ngoại giao 2013 đã phát huy “sức mạnh mềm” của mình, góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Số các vụ việc nghiêm trọng trên biển đã giảm đáng kể. Quan trọng hơn là việc giải quyết vấn đề biển Đông không làm ảnh hưởng tới quan hệ của Việt Nam với các nước.
|
Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử Hội đồng nhân quyền với số phiếu bầu cao nhất - Ảnh: Lê Dương-Quang Tuyến/Vietnam+ |
Trên bình diện quốc tế, năm 2013 là năm hết sức thành công của Việt Nam trong việc nâng cao vị thế đất nước. Việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), được bầu vào Ủy ban liên Chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới của Tổ chức UNESCO, đặc biệt là Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất, đã tạo dựng hình ảnh một Việt Nam tích cực, có trách nhiệm trước những vấn đề quan tâm chung của nhân loại. Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung cho biết: Liên hợp quốc thấy rằng Việt Nam có quan điểm tích cực trên nhiều vấn đề và là đối tác có thể hợp tác tốt. Tất cả các vấn đề quốc tế lớn như không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ quyền bình đẳng phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người yếu thế, Việt Nam đều có quan điểm tích cực.Vì thế Liên hợp quốc thấy rằng Việt Nam thể hiện thái độ tích cực và đóng góp xây dựng.
Năm 2014, tiếp tục phát huy thành công của ngoại giao 2013, Việt Nam tăng cường đóng góp thực chất, đặc biệt những sáng kiến giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực theo phương châm “là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Những thành tựu của đối ngoại 2013 là cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới./.