Đối thoại chiến lược lần 3 tiếp thêm sinh lực cho quan hệ Mỹ - Ấn

(VOV5)- Cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 3 giữa Mỹ và Ấn Độ diễn ra hôm qua, tại Washington (Mỹ). Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Ấn Độ Somanahalli Mallaiah Krishna đã nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng, phần nào hiện thực hoá tuyên bố hồi tháng 1 năm 2012 của Tổng thống Mỹ Barak Obama khi khẳng định Ấn Độ là đối tác trọng yếu của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đối thoại chiến lược lần 3 tiếp thêm sinh lực cho quan hệ Mỹ - Ấn - ảnh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (Ảnh: MBS)

Tại cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 3, phía Mỹ bày tỏ sự hài lòng với thỏa thuận sơ bộ vừa được Công ty thiết bị hạt nhân Westinghouse của Mỹ và Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Ấn Độ ký kết nhằm xây dựng các lò phản ứng hạt nhân tại Ấn Độ. Ngoại trưởng Mỹ coi đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác và triển khai Hiệp ước về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự giữa hai nước được ký năm 2008.

Đối thoại chiến lược lần 3 tiếp thêm sinh lực cho quan hệ Mỹ - Ấn - ảnh 2
Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn trong chuyến thăm Ấn Độ 

Trên lĩnh vực kinh tế, Ngoại trưởng Mỹ nhận định trao đổi thương mại và đầu tư song phương Mỹ - Ấn có thể vượt quá con số 100 tỷ USD trong năm nay, tăng 40% kể từ năm 2009. Đây là kết quả ấn tượng mà 2 nước cần duy trì đồng thời Wasinhton trông đợi New Delhi sẽ giảm thêm các hàng rào thuế quan về thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực như bán lẻ hàng hóa.Trong hợp tác quốc phòng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary cho biết kim ngạch thương mại quốc phòng giữa hai nước đã đạt hơn 8 tỷ USD trong 5 năm qua và đây là một bước tiến rất lớn. 


Đối thoại chiến lược lần 3 tiếp thêm sinh lực cho quan hệ Mỹ - Ấn - ảnh 3

Hạm đội liên hợp Mỹ-Ấn tập trận chung ở Ấn Độ Dương tháng 4/2012.


Ghi nhận những kết quả tích cực của đối thoại, Ngoại trưởng Ấn Độ Somanahalli Mallaiah Krishna cho rằng hai nước đã xây dựng được những tiêu chí quan trọng hơn. Đó là tình hữu nghị, thiện chí, niềm tin và sự tin tưởng lẫn nhau trong mối quan hệ đối tác. Ngoại trưởng Ấn Độ cũng thừa nhận cuộc đối thoại chiến lược là cơ hội duy nhất để thảo luận tất cả các lĩnh vực hợp tác, giúp tạo nên khả năng hợp tác lớn nhất trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước. Ngoại trưởng Somanahalli Mallaiah Krishna cũng cho biết Ấn Độ có kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới và điều này tạo ra các cơ hội kinh doanh to lớn cho các công ty Mỹ. 




Có thể nói, kết quả đối thoại đã thể hiện tính chất rộng lớn của mối quan hệ Mỹ - Ấn và phần nào đã hiện thực hoá mong muốn của Washington khi trước thềm đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ trở thành một trong những quan hệ đối tác quan trọng của thế kỷ 21. Bà Hillary hy vọng New Delhi sẵn sàng hợp tác để làm cho quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ trở nên ngày càng mạnh hơn. Ông Robert Blake, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Trung Á, cho biết Mỹ đã đầu tư nhiều thời gian và sức lực để thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ bởi Mỹ tin nước này có thể trở thành một cường quốc trên thế giới. 



Đối thoại chiến lược lần 3 tiếp thêm sinh lực cho quan hệ Mỹ - Ấn - ảnh 4

Máy bay chiến đấu của Hải quân hai nước Mỹ-Ấn bay trên tàu sân bay Ấn Độ trong cuộc tập trận chung.


Theo các nhà phân tích, không phải ngẫu nhiên mà quan hệ Mỹ - Ấn trở nên nồng ấm như hiện nay. Cả  nước đều nhận thấy những lợi ích to lớn khi tăng cường hợp tác. Về phía Mỹ, hợp tác với Ấn Độ, Mỹ có thể bảo vệ các tuyến đường biển chuyên chở dầu từ Trung Đông tới các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếp cận với thị trường tiêu dùng khổng lồ của Ấn Độ (với 1,2 tỷ dân), vai trò của Ấn Độ như một khả năng là đối trọng cân bằng với Trung Quốc và một thị trường bán công nghệ quân sự. Ấn Độ thì cần Mỹ để tiếp cận nguồn vốn, công nghệ đặc biệt là công nghệ hạt nhân cũng như vũ trụ và một thị trường đầu ra cho công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may hay linh kiện ô tô. 



Dựa trên những lợi ích chiến lược như vậy, có thể nói, mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ còn nồng ấm hơn rất nhiều so với trước đây. Và kết quả cuộc đối thoại lần 3, một trong chuỗi các sự kiện ngoại giao con thoi giữa hai nước trong 1 tháng qua, (trước đó là chuyến thăm quan trọng đến quốc gia Nam Á này của Ngoại trưởng Hillary và Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta), góp phần quan trọng trong việc tiếp thêm sinh lực cho quan hệ Mỹ - Ấn trong tương lai./.

Phản hồi

Các tin/bài khác