Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung: còn nhiều thách thức

(VOV5)- Hôm nay, tại Bắc Kinh, Mỹ và Trung Quốc tiến hành cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 4, một trong những cơ chế đối thoại thường niên quan trọng nhất trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay. Diễn ra trong hai ngày, cuộc đối thoại được kỳ vọng sẽ tháo dần các nút thắt trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới song theo các nhà phân tích, đây là điều không đơn giản vì cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích chiến lược của riêng mình.     

#Cuộc đối thoại được tiến hành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner. Ngoài ra, tham dự đối thoại còn có đại diện của hơn 20 bộ, ngành của mỗi nước. Tuy chỉ diễn ra trong hai ngày, song cuộc đối thoại được nhận định là có tác động không nhỏ đến sự phát triển của quan hệ Mỹ - Trung. Theo thông tin được 2 bên loan báo, đối thoại lần này xoay quanh những vấn đề nổi cộm trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, cả về chính trị và kinh tế. Về chính trị, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho biết hai bên sẽ tiến hành thảo luận các vấn đề an ninh chiến lược cùng quan tâm, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, vấn đề Sudan, Nam Á…Ngoài ra, theo các nhà bình luận, tình hình bán đảo Triều Tiên, tình hình Syria hay việc Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, an ninh hàng hải tại Biển Đông…có thể sẽ được phía Mỹ đề cập đến trong khuôn khổ đối thoại chiến lược song phương lần này. Về kinh tế, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững và cân bằng, triển vọng chính sách tài chính và tiền tệ của mỗi nước, mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư, ổn định và cải cách thị trường tài chính. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cho biết thêm trong khuôn khổ đối thoại lần này, hai bên cũng tuyên bố tái khởi động đàm phán Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương.


Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung: còn nhiều thách thức - ảnh 1
Ảnh: NHK world

Với những vấn đề nổi cộm nêu trên, cuộc đối thoại đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước khi diễn ra đối thoại, chính giới và dư luận Mỹ đã đưa ra những nhận định tích cực cũng như những phát biểu bày tỏ sự lạc quan vào mối quan hệ Mỹ - Trung. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner nhận định rằng không có nước nào trên thế giới cùng một lúc có nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhau như ở Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Barak Obama thời gian qua đã đạt được những bước tiến quan trọng trong mục tiêu của mình. Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ thì coi vòng đối thoại lần thứ 4 này là một cơ hội vàng để Trung Quốc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư. Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung John Frisbie nói rằng các công ty của Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ đồng ý mở các cuộc thảo luận về hiệp định đầu tư song phương, theo đó cho phép các công ty nước ngoài có thể sở hữu các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Đi kèm với những nhận định tích cực và những kỳ vọng, cuộc đối thoại cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đe doạ sẽ ảnh hưởng đến mức độ thành công của cơ chế hợp tác song phương này. Trước thềm đối thoại, Mỹ đã thúc giục Trung Quốc cải cách tài chính giúp tạo sân chơi công bằng giữa 2 nền kinh tế, trong đó tiếp tục nhắc đến vấn đề đồng nhân dân tệ (NDT). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng các cải cách về tỷ giá hối đoái gần đây của Bắc Kinh vẫn chưa đủ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông Geithner đủ khôn ngoan để không đưa tỷ giá đồng nhân dân tệ thành vấn đề nóng trong cuộc đối thoại bởi vì thứ nhất, thâm hụt thương mại của Mỹ là đa phương. Trong năm 2010, Mỹ bị thâm hụt thương mại với 88 quốc gia. Thứ hai, đồng NDT hiện đã tăng giá 31,4% so với đồng USD kể từ giữa năm 2005. Thứ ba, nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 20% - 30% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ phản ánh giá trị gia tăng ở trong Trung Quốc. Gần 60% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, nền tảng sản xuất toàn cầu hóa đang ảnh hưởng đến thương mại song phương Mỹ - Trung, chứ không phải tỷ giá hối đoái.

Trên bình diện quốc tế, cũng có những tín hiệu gây quan ngại sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuộc đối thoại. Đó là việc chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Philippines, Ấn Độ trước khi tới Bắc Kinh dự Cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ lần thứ 4. Đây đều là những quốc gia đang có bất đồng nhất định với Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc Đối thoại An ninh chiến lược Trung - Mỹ lần thứ hai, trong khuôn khổ vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ lần thứ tư, kết thúc hôm qua, tại Bắc Kinh với kết quả không mấy tích cực khi hai bên chỉ nhất trí tiếp tục phát triển cơ chế Đối thoại an ninh chiến lược và tạo điều kiện để cơ chế này đóng vai trò lớn hơn trong việc tăng cường sự tin cậy chiến lược song phương.

Nhận định về cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ -  Trung lần này, một số chuyên gia cho rằng mặc dù quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phát triển nhưng quan hệ tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn chưa xuôi chèo mát mái bởi một loạt các vấn đề phức tạp mà 2 nước không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Xem ra, cuộc đối thoại lần này vẫn chỉ là bước đệm để 2 nước xây dựng quan hệ tích cực hơn trong tương lai./.

Phản hồi

Các tin/bài khác