Đồng thuận tạo khuôn khổ thực thi pháp luật trong vấn đề Biển Đông

(VOV5) - ASEAN và Trung Quốc vừa nhất trí thúc đẩy đàm phán để hoàn thành bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) vào giữa năm 2017. Kết quả này phản ánh sự chuyển biến lớn trong thái độ của Bắc Kinh trước một vấn đề phức tạp của khu vực khi đây là lần đầu tiên có một khung thời gian chính thức cho COC được đưa ra.

Đồng thuận tạo khuôn khổ thực thi pháp luật trong vấn đề Biển Đông - ảnh 1
Các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc cùng chụp ảnh tại cuộc họp bàn về DOC. (Ảnh: Xinhua)


Từ năm 2010, Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thảo luận một bộ quy tắc hướng tới việc tránh xung đột giữa các bên đưa ra yêu sách ở Biển Đông. Nhưng phải đến năm 2013, hai bên mới tiến hành tham vấn chính thức về văn bản pháp lý này. Tuy nhiên, dường như chưa có những bước tiến đáng kể nào bởi các cuộc đàm phán về COC liên tục bị trì hoãn do chịu tác động từ các yếu tố căng thẳng trong khu vực.


Đạt được sự đồng thuận


Cuộc họp giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc - ASEAN về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/8 ở Mãn Châu Lý, một thành phố cảng ở miền Bắc Trung Quốc. Cuộc họp này cũng diễn ra ngay sau hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc hồi cuối tháng 7 vừa qua tại Lào. Tại cuộc họp này, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý kế hoạch giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán và sử dụng khuôn khổ các quy tắc của khu vực. Hai bên đã nhất trí tiếp tục thực thi DOC và tái khẳng định các kế hoạch: giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, quản lý bất đồng dựa trên một khuôn khổ các quy tắc của khu vực, tăng cường hợp tác biển, và hướng tới đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.


Đồng thuận tạo khuôn khổ thực thi pháp luật trong vấn đề Biển Đông - ảnh 2
Hoạt động cải tạo, xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc tại một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. (Ảnh minh họa: Reuters/U.S.Navy)


Trước đó, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập đường dây nóng và áp dụng một bộ quy tắc ứng xử cho các chạm trán ngoài ý muốn trên biển Đông. Bộ quy tắc ứng xử các sự cố ngoài ý muốn trên biển được đưa ra từ năm 2014, đã được nhiều nước ký kết, bao gồm các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Dự thảo về đường dây nóng và thỏa thuận tránh chạm trán trên biển dự kiến sẽ được trình để phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tổ chức ở Vientiane, Lào vào ngày 7/9 tới.


Bước chuyển tích cực


Trước những xung đột trên Biển Đông ngày càng gia tăng, quan điểm của ASEAN là cần sớm có COC mang tính ràng buộc và quy định tổng thể các quy tắc, hành vi ứng xử của các bên nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, ngăn ngừa và quản lý xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. COC sẽ vừa đóng góp vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, vừa tích cực góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển chung ở Biển Đông cũng như khu vực nói chung. Tuy nhiên, kể từ khi khởi động tham vấn COC giữa ASEAN-Trung Quốc năm 2013, các vòng đàm phán liên tục bị lùi thời hạn do phía Trung Quốc trì hoãn. Vì vậy, việc ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên đạt được sự đồng thuận về một dự thảo khung của COC vào giữa năm 2017, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà quan sát. Bởi nó diễn ra ngay sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên biển Đông. Bắc Kinh đòi chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, vẽ ra đường lưỡi bò đi sâu vào vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Chính vì vậy, việc Trung Quốc lần đầu tiên, cùng với ASEAN công khai đưa ra một khung thời hạn cho COC, được nhìn nhận là sự thể hiện thiện chí đối với giải quyết tranh chấp biển Đông bằng DOC.


Sau cuộc họp lần này, truyền thông chính thức Trung Quốc đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân khẳng định Bắc Kinh muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với ASEAN. Ông Lưu Chấn Dân cũng gọi đây là một “thành tựu” giữa ASEAN và Trung Quốc khi tất cả các bên đã đồng thuận với việc thường xuyên duy trì những kênh đàm phán và quyết tâm hoàn thành dự thảo của bộ quy tắc ứng xử COC vào giữa năm 2017. Trước đó không lâu, tháng 7/2016, tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc, Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết "tự kiềm chế", không có hành động làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên Biển Đông, cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc, luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).


Lịch sử nhiều thập niên qua đã chứng minh, hòa bình và ổn định đã mang lại thịnh vượng và phát triển trong khu vực. Tình trạng căng thẳng đối đầu ở Biển Đông có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy, hơn bao giờ hết, ASEAN và Trung Quốc đều thấy cần phải sớm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử có thể giải quyết vấn đề quyền lợi chung ở Biển Đông. COC, một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn, đang được mong đợi sẽ sớm thay thế cho DOC, vốn đã tồn tại hơn 10 năm, bằng thiện chí của tất cả các bên.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác