(VOV5)- Hạ viện Mỹ ngày 11-9-2012 vừa thông qua cái gọi là Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 H.R.1410 và Nghị quyết H.Res.484 “kêu gọi Chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền”. Các dự luật này dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.
Dự luật H.Res.484 do nghị sỹ Loretta Sanchez khởi xướng, thực chất đã vu cáo trắng trợn Chính phủ Việt Nam cấm đoán tự do tôn giáo, giam cầm những kẻ được gọi là “ những người bất đồng chính kiến” và “các nhà đấu tranh ôn hòa đòi tự do tôn giáo và tự do chính trị”.Trong khi đó, Nghị quyết H.R 1410 do nghị sỹ Chris Smith chủ xướng, đưa ra hạn chế đối với Chính phủ Hoa kỳ dựa trên những quy định về nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam. Theo đó, Chính phủ Mỹ không được viện trợ trên các lĩnh vực không có mục đích nhân đạo cho Việt Nam nếu “ tổng thống Mỹ không xác nhận được với Quốc hội Mỹ rằng Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền…” Nghị quyết này còn có những điều khoản vô lý khi đòi hỏi “ Việt Nam phải đưa ra những tiến bộ vượt bậc trong việc cải thiện luật pháp để ngăn chặn việc hình sự hóa các hoạt động dân chủ”… và “Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải định kỳ báo cáo lên Hạ viện về tiến trình cải thiện nhân quyền ở Việt Nam”…
Trước hết, cần khẳng định rằng các dự luật về Nhân quyền này đã đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trong quan hệ quốc tế đương đại, điều đã được Hiến chương Liên hiệp quốc ghi nhận. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị của Liên hiệp quốc từng quy định rõ: “Các dân tộc tự do có quyền quyết định thể chế chính trị của mình. Việc xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia, dân tộc”. Theo đó, mọi quyền của người dân Việt Nam, trong đó có quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo... đã được Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam bảo đảm. Trên thực tế, nhân dân Việt Nam đã và đang được hưởng những quyền này. Người dân Việt Nam được tự do tham gia vào mọi mặt đời sống chính trị, xã hội của đất nước, được đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước Việt Nam về những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, kể cả việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng và những chiến lược xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh, bên lề một Hội nghị thực thi công ước quốc tế về nhân quyền ở Việt Nam, từng khẳng định:“Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của toàn bộ quá trình phát triển mà việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo phát huy dân chủ của người dân là bản chất của chế độ chúng ta. Đó là điều chúng ta khẳng định và chúng ta đã nêu rõ là việc đảm bảo quyền con người, trước hết là việc mở rộng các cơ chế để phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống luật pháp, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuât, tạo điều kiện thực tế cho người dân Việt Nam phát triển và đồng thời khắc phục những mặt còn tồn tại. Đó chính là cơ sở, là thực tế để cộng đồng quốc tế hiểu rõ về sự quyết tâm và thực tế của nhà nước Việt nam trong vấn đề đảm bảo quyền con người. Những luận điệu sai trái cũng bị thực tế này bác bỏ.”
Về mặt tín ngưỡng, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do theo đạo hoặc không theo đạo. Những người theo đạo được tạo điều kiện thuận lợi, cả trong khuôn khổ pháp lý cũng như trên thực tế, để thực hành những nghi lễ theo đức tin của họ. Mọi tổ chức tôn giáo được pháp luật Việt Nam thừa nhận đều được tự do hành đạo theo quy định của pháp luật. Những thực tế này được chính những người Mỹ và nhiều người nước ngoài từng đến Việt Nam chứng kiến, cũng từng được Việt Nam khẳng định và công bố trong các Báo cáo kiểm điểm định kỳ về nhân quyền tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc trong những năm gần đây. Cũng cần khẳng định rằng, ở Việt Nam không có cái gọi tù nhân tôn giáo hay tù nhân chính trị. Những kẻ mà các dự luật về nhân quyền Hạ viện Mỹ thông qua mới đây tung hô là “những nhà hoạt động đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ," nực cười thay, lại là những kẻ vi phạm luật pháp Việt Nam. Những biện pháp mà Nhà nước Việt Nam thực hiện đối với các đối tượng này thời gian qua là nhằm duy trì ổn định chính trị-xã hội để bảo đảm sự phát triển. Theo luật pháp ở bất kỳ quốc gia nào thì những hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa lợi ích căn bản của đất nước đều phải bị trừng trị theo pháp luật.
Tiếc rằng, trong một thế giới mà việc tôn trọng chủ quyền độc lập và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau đã trở thành những nguyên tắc cơ bản nhất thì Hạ viện Mỹ lại thông qua các dự luật về nhân quyền Việt Nam với những nội dung thiếu khách quan, thiếu công bằng và phiến diện. Hơn thế nữa, việc các dự luật này gắn vấn đề nhân quyền Việt Nam với các khoản viện trợ cho Việt Nam rõ ràng là những việc làm sai trái, đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam và Hoa kỳ đang nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả chất độc da cam/điôxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Chính nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã khẳng định khi các dự luật về nhân quyền này được thông qua tại Hạ viện Mỹ: “Tôi không nhất trí với cách nhìn nhận về nhân quyền của một số nghị sỹ Mỹ, những người có thiên hướng áp đặt tiêu chí mà họ cho rằng chuẩn mực trong vấn đề này. Mỗi nước đều có giá trị và nguyên tắc riêng trong thực thi nhân quyền. Tôi cho rằng chính phủ Việt nam đã làm những gì tốt nhất. Tôi luôn phản đối việc các nghị sỹ Mỹ chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tôi cho rằng thực tế nhân quyền tại Việt Nam chưa được phản ánh chính xác.”
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những tiến triển tích cực trong thời gian qua. Hai nước thường xuyên trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề quyền con người, trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Đây chắc chắn là cách tốt nhất, ở thì hiện tại cũng như trong tương lai, để tăng hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển vì lợi ích của cả hai nước./.