(VOV5) - Dự thảo thỏa thuận mới đây của Liên minh châu Âu (EU) với Anh hướng tới mục tiêu cạnh tranh công bằng trong thương mại giữa các bên
Vòng 2 cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit) dự kiến diễn ra ngày 18/3 tại thủ đô London của Anh đã bị hủy do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thay vì gặp nhau trực tiếp, các bên đang tìm các cách thức khác để tiếp tục công việc đàm phán. Tuy nhiên, nhìn từ vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại Brussels, Bỉ ngày 2/3, tiến trình đàm phán này theo các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều trắc trở.
Tiến trình đàm phán được khởi động chỉ hơn một tháng sau khi Anh rời EU. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên từ ngày 2 đến 5/3 vừa qua. Mục tiêu mà Anh và EU đặt ra khi đàm phán là phải đạt được một thỏa thuận về quan hệ song phương trong tương lai trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31-12-2020, từ đó tạo điều kiện để các nội dung trong thỏa thuận này bắt đầu được khởi động từ năm 2021.
Dự thảo thỏa thuận mới đây của Liên minh châu Âu (EU) với Anh hướng tới mục tiêu cạnh tranh công bằng trong thương mại giữa các bên, cũng như hợp tác chặt chẽ về chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế. Trước đó, EU đã gửi bản dự thảo thỏa thuận thương mại “đầy tham vọng” với Anh tới Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên xem xét.
Những bất đồng khó giải quyết
Tại vòng đàm phán đầu tiên tại Bỉ, hàng loạt vấn đề bất đồng lớn giữa hai bên đề cập trong dự thảo được thảo luận.
Sau vòng đàm phán đầu tiên, ông Michel Barnier nhấn mạnh hiện vẫn còn 4 điểm khác biệt lớn giữa EU và Anh. Một là, phía Anh không muốn đưa ra các quy tắc chung ràng buộc về mặt pháp lý trong lĩnh vực cạnh tranh và kinh doanh. Hai là, Anh từ chối chấp nhận nghĩa vụ thực thi Công ước châu Âu về quyền con người, đồng thời không công nhận các quyết định của Tòa án Công lý châu Âu trên lãnh thổ nước mình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hợp tác giữa cảnh sát EU và Anh. Ba là, Anh muốn ký kết một loạt thỏa thuận với EU về các lĩnh vực hợp tác khác nhau trong khi EU đề xuất tập hợp thành một thỏa thuận liên kết bao trùm toàn bộ. Cuối cùng là về đánh bắt cá, EU muốn đưa ra chi tiết hạn ngạch cho các vùng biển và các loài cá, còn phía Anh đề nghị tuân thủ nguyên tắc tiếp cận bình đẳng với vùng biển của nhau.
Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier trong cuộc họp báo về vòng đàm phán đầu tiên giữa Anh và EU về một thỏa thuận mới thời hậu Brexit, tại Brussels, Bỉ ngày 5/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ trước tới nay, Anh có ý định xây dựng hệ thống luật riêng của mình sau Brexit và không muốn tuân theo các quy tắc được gọi là "sân chơi công bằng" do EU áp đặt. Trong khi đó, EU đang cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận mà Anh phải chấp nhận sự giám sát của EU để đổi lấy quyền tiếp cận ưu tiên vào thị trường châu Âu.
Không còn nhiều thời gian
Kể từ thời điểm chính thức rời EU vào ngày 31/1 vừa qua sau 47 năm là thành viên của liên minh này, Vương quốc Anh đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp cho đến ngày 31/12 tới. Trong thời gian này, Anh sẽ tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn EU.
Vòng đàm phán đầu tiên vừa qua, tuy được các nhà đàm phán hai bên và các nhà quan sát nhận định, là diễn ra trên tinh thần xây dựng và nghiêm túc, song việc đạt được một thỏa thuận là “khó khăn”. Cứ khoảng 2-3 tuần, hai bên dự kiến sẽ tiến hành một vòng đàm phán luân phiên giữa London và Brussels cho đến ngày 30/6 tới, như mốc thời gian đề ra trong thỏa thuận Brexit. Anh và EU dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới để quyết định xem liệu có cần phải tiếp tục đàm phán hay không.
Lịch trình đàm phán gấp gáp như vậy đang là sức ép, bởi Anh và EU phải vượt qua các bất đồng không hề nhỏ để vừa đạt được thỏa thuận, vừa kịp triển khai đúng thời gian. Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng.
Đến tháng 7/2020 mới là thời hạn chót để Thủ tướng Johnson đưa ra quyết định liệu nước Anh có muốn giữ nguyên trạng các mối quan hệ với EU như hiện nay cho đến tận hết năm 2021 hay không. Cho đến lúc này, việc không gặp được nhau trực tiếp để đàm phán cũng là một bất lợi lớn và hai bên không còn nhiều thời gian để đưa ra những quyết định cuối cùng.