(VOV5) - Quá trình đàm phán giai đoạn này thậm chí còn gian nan và khó khăn hơn rất nhiều so với tiến trình đàm phán Brexit đã qua.
Sau gần nửa thế kỷ gắn bó, cuối cùng, nước Anh đã chính thức rời khỏi “mái nhà chung châu Âu” (tức Liên minh châu Âu EU) ngày 31/1 vừa qua, hiện thực hóa một trong những cuộc “chia tay” (Brexit) tốn nhiều giấy mực nhất của truyền thông và báo chí thế giới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là: dù tiến trình Brexit đã được khởi phát từ cách đây 3 năm, song cho đến nay, câu hỏi “bản chất quan hệ Anh- EU sẽ là như thế nào sau Brexit?”, vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Cờ Anh và EU - Ảnh: TTXVN
|
Đúng 23 giờ ngày 31/1, (GMT) nước Anh chính thức chấm dứt vai trò thành viên của Liên minh châu Âu sau 47 năm gia nhập. Tuy nhiên, theo thỏa thuận đã đạt được, cho đến ngày 31/12/2020 (còn được gọi là giai đoạn chuyển tiếp), nước Anh vẫn còn khá nhiều quyền lợi và gắn kết với EU, ngoại trừ việc tham gia các thể chế chính trị của khối. Thế nhưng, điều dư luận quan tâm hơn cả là trong khoảng thời gian 11 tháng này, hai bên sẽ làm được những gì để xác lập mối quan hệ trong tương lai, đặc biệt là vấn đề thương mại. Với những bất đồng mấu chốt còn tồn tại, rất nhiều dự báo cho rằng, quá trình đàm phán giai đoạn này thậm chí còn gian nan và khó khăn hơn rất nhiều so với tiến trình đàm phán Brexit đã qua.
Tiến trình đàm phán chuyển tiếp đầy thách thức
Và trên thực tế, chỉ ít ngày sau thời khắc chia tay, cả EU và Anh đều đã đưa ra mục tiêu đàm phán của mình, thể hiện ra những tầm nhìn rất khác nhau về mối quan hệ tương lai, dù cùng có chung mong muốn là đạt được một thỏa thuận thương mại. Cụ thể, Liên minh châu Âu tiếp tục nhắc lại yêu cầu nước Anh sẽ phải tuân thủ các quy định của khối này nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, nếu London muốn tiến tới một thỏa thuận không thuế quan, không hạn ngạch như tham vọng của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier nêu rõ cần phải có một sân chơi công bằng trong dài hạn về các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và trợ cấp của Chính phủ, khẳng định rằng một hiệp định thương mại tự do phải bao gồm một thỏa thuận về ngư nghiệp, trong đó cho phép hai bên tiếp cận hải phận của nhau, và những điều kiện cho việc này phải được thiết lập trước ngày 1/7/2020. Để chứng minh cho quyết tâm và sự chủ động của mình, Liên minh châu Âu tuyên bố sẵn sàng đối mặt với mọi viễn cảnh, trong đó có kịch bản các cuộc đàm phán với Anh không thành công.
Ngay lập tức, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng phản ứng. Người đứng đầu Chính phủ Anh khẳng định không chấp nhận những điều kiện mà EU đưa ra, đồng thời nhấn mạnh một thỏa thuận thương mại tự do không cần thiết phải bao gồm việc chấp nhận các quy định của EU về chính sách cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội, môi trường hay bất cứ điều gì tương tự.
Sự khác biệt quan điểm đàm phán giữa hai bên cho thấy không có gì đảm bảo rằng Anh và EU có thể đạt được thỏa thuận cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp ngắn ngủi này, nhằm giúp xác định một cách rõ ràng bản chất quan hệ giữa hai bên sau năm 2020.
Từ đối tác đến đối thủ
Đáng chú ý, trong phản ứng của mình, Thủ tướng Boris Johnson đã nhắc đến hai mô hình Thỏa thuận thương mại tự do mà EU đang triển khai với Canada và Australia, cho thấy định hướng theo đuổi đàm phán của Chính phủ Anh là trở thành đối tác, đồng thời cũng là đối thủ của chính châu Âu.
Còn với châu Âu, điều đáng lo ngại là quan điểm muốn dứt bỏ hoàn toàn ràng buộc với châu Âu để theo đuổi mô hình phát triển mới, đặc biệt về thương mại, mà Chính phủ Anh đưa ra gần đây, đang tạo ra sự bất an lớn. Nguyên do bởi nước Anh có thể phá bỏ các tiêu chuẩn về môi trường, về lao động, về chất lượng sản phẩm… để tạo ưu thế cạnh tranh với chính EU. Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra về sự hình thành một vùng đất mà châu Âu đặt cho cái tên đầy e ngại là “Singapore trên sông Thames” ngay ở cửa ngõ châu Âu. Đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận định một cách thẳng thắn rằng nước Anh từ vai trò một thành viên, giờ đây trở thành ”một nước cạnh tranh ngay ở cửa ngõ" của châu Âu.
Với thực tế cực mối quan hệ cực kỳ phức tạp và sau rộng giữa Anh và EU sau gần nửa thế kỷ gắn kết, đến giờ phút này, Brexit vẫn được coi là “canh bạc lớn nhất của cả một thế hệ” với không chỉ người Anh mà cả EU.