Đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan phát triển sâu rộng

(VOV5) - Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân là một sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Thái Lan. Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan trên các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng.

 

Đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan phát triển sâu rộng - ảnh 1


Trong thời gian ở thăm Thái Lan, ngoài cuộc họp nội các chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan, hội kiến Công chúa Thái Lan, tham dự Đối thoại doanh nghiệp hai nước và gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Thái Lan.

 

Hợp tác kinh tế là điểm sáng

Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Thái Lan đang phát triển nhanh, đặc biệt hợp tác kinh tế được coi là điểm sáng và là động lực phát triển quan hệ giữa hai nước. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan liên tục tăng trong những năm qua. Buôn bán hai chiều năm 2013 đạt 9,4 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2012), năm 2014 đạt 10,6 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2013). Tính đến tháng 6/2015, Thái Lan là nhà đầu tư đứng thứ 10 trên tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 6,8 tỷ USD. Doanh nghiệp Thái Lan chủ yếu đẩy mạnh trên các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa... Việt Nam đang có 7 dự án đầu tư tại Thái Lan với tổng vốn đầu tư đạt 11,35 triệu USD chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, đồ dùng gia đình, du lịch, phần mềm, máy tính... Hai bên đặt mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch thương mại tăng lên 20 tỷ USD. Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Panyarak Poolthup khẳng định: “Các nhà đầu tư Thái Lan hiện giờ đang rất quan tâm đầu tư, mở rộng dự án kinh doanh tại Việt Nam. Năm ngoái, Thái Lan xuất siêu sang Việt Nam và có rất nhiều công ty Thái Lan đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Việt Nam có ưu thế là nguồn nhân lực dồi dào, trình độ học vấn cao, do vậy các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam có nhiều thuận lợi, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực lắp ráp, phụ trợ”.

 

Việt Nam đã cử nhiều đoàn sang Thái Lan học tập kinh nghiệm trong tổ chức và phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa; khảo sát về phát triển nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp, chế biến nông sản, cúm gia cầm, trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý nghề cá tại mỗi nước.

 

Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục. Thái Lan hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy tiếng Thái tại một số trường đại học của Việt Nam... Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, Việt Nam và Thái Lan thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao sang thăm và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người…

 

Đẩy mạnh hội nhập trong ASEAN

Cùng là thành viên ASEAN, quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan thời gian qua phát triển tốt đẹp. Việc Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược đầu tiên của Thái Lan trong ASEAN thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam của vương quốc này. Việt Nam và Thái-lan hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác tiểu vùng và Liên hợp quốc. Hai bên thể hiện vai trò tích cực trong ASEAN, cùng các thành viên khác quyết tâm thực hiện hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan tích cực phát triển và khai thác Hành lang kinh tế Đông-Tây; phát triển các tuyến đường bay giữa hai nước; đàm phán mở tuyến dịch vụ xe buýt nối Thái Lan với Việt Nam qua Lào và tuyến vận tải ven bờ nối Thái Lan với Việt Nam qua Campuchia. Hai nước coi đây là hành động thiết thực để đẩy mạnh hội nhập trong ASEAN. Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Panyarak Poolthup cho rằng: “Việc kết nối giữa hai nước là điều quan trọng sẽ giúp đạt được việc hình thành cộng đồng chung ASEAN. Và để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là phải phát triển giao thông đường bộ và đường thủy bởi Việt Nam và Thái Lan có chung đường biên giới trên biển, việc đi lại qua biên giới giữa các tỉnh ở miền Đông Thái Lan với các tỉnh miền nam gần biển của Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển cũng như mở rộng phát triển kinh tế”.

 

Trong tổng thể quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, họp nội các chung là cơ chế hợp tác song phương quan trọng nhất do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì. Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và việc hai Thủ tướng đồng chủ trì cuộc họp nội các chung lần thứ 3, không chỉ đề ra các định hướng lớn trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thời gian tới mà còn góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác