(VOV5) - Nhiều gánh nặng đè lên vai các nhà lãnh đạo EU và việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của khối trong hai ngày 10-11/12 chưa đủ để EU vượt qua những trở ngại của năm 2020.
Những ngày cuối cùng của năm 2020, một năm được đánh giá là có nhiều thách thức lớn với Liên minh châu Âu (EU), tổ chức này đang tăng cường nỗ lực nhằm xử lý và giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ ngày 10/12/2020. - Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trong hai ngày 10 và 11/12, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU tiến hành cuộc họp đặc biệt tại Brussels (Bỉ), với một chương trình nghị sự dày đặc nhằm giải quyết một loạt nhiệm vụ nặng nề của khối, đứng đầu là việc thông qua kế hoạch tài chính dài hạn quan trọng.
Bước tiến quan trọng
Ngay trong ngày khai mạc Hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận quan trọng về ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 cùng gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro (2.190 tỷ USD), nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Gói phục hồi bao gồm ngân sách cho 7 năm tới trị giá 1.100 tỷ euro và gói phục hồi có tên gọi "Thế hệ mới EU" trị giá 750 tỷ euro. Ngoài hỗ trợ phục hồi từ đại dịch Covid-19, gói phục hồi này còn hỗ trợ EU thực hiện các chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển vững mạnh.
Kết quả này có được sau khi Ba Lan và Hungary cùng với Đức - nước hiện giữ chức Chủ tịch EU - nhất trí về phương án mới đối với ngân sách dài hạn 2021-2027 của liên minh. Trước đó, Ba Lan và Hungary phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền của EU, khiến kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU (được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7) rơi vào bế tắc.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá cao tiến triển này, cho rằng EU giờ đây có thể bắt đầu triển khai phân bổ gói ngân sách trên và vực dậy nền kinh tế. Theo quan chức này, gói phục hồi kinh tế này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và chuyển đổi số ở các nước thành viên. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định trên Twitter rằng "Châu Âu đang tiến lên phía trước", bày tỏ tin tưởng gói phục hồi kinh tế này sẽ tiếp sức cho sự phục hồi của EU và góp phần xây dựng EU xanh, số hóa và vững mạnh hơn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 10/12/2020. - Ảnh: REUTERS/TTXVN |
Còn nhiều nhiệm vụ nặng nề
Theo kế hoạch, cùng với vấn đề ngân sách, nhiều khả năng các nhà lãnh đạo EU cũng có thể đạt được nhất trí về một mục tiêu giảm phát thải mới của EU cho năm 2030. Điều này sẽ cho phép EU đệ trình bản đóng góp cập nhật vào Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trước khi kết thúc năm 2020.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về quan hệ với Mỹ cũng như những diễn biến căng thẳng gần đây ở Đông Địa Trung Hải và mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới phân tích, đây đều là những thách thức lớn với EU cả trong hiện tại và tương lai gần.
Về quan hệ với Mỹ, EU chỉ có thể thực hiện thành công việc cải thiện quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sau khi nước Mỹ có chính quyền mới. Trong năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, khiến quan hệ EU-Mỹ vẫn “giậm châm tại chỗ”, thậm chí là có những bước lùi với việc Mỹ quyết định rút khoảng 1/3 binh sỹ khỏi Đức.
Trong khi đó, việc xử lý của EU đối với căng thẳng gần đây ở biển phía Đông Địa Trung Hải và cũng chính là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, gặp nhiều khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nắm giữ “con át chủ bài” để kiềm chế EU là vấn đề người di cư từ Syria và các vùng chiến sự đến từ Trung Đông. Đây được xem là thách thức trong tương lai dài chứ không phải là vấn đề trong ngắn hạn với cả châu Âu.
Cuối cùng, không thể không kể đến nguy cơ không đạt được thỏa thuận với nước Anh về quan hệ giữa hai bên sau giai đoạn chuyển tiếp sắp kết thúc là ngày 31/12 tới đây.
Rõ ràng, nhiều gánh nặng đang cùng lúc đè lên vai các nhà lãnh đạo EU và việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của khối trong hai ngày 10-11/12 dường như chỉ là nỗ lực cần thiết, chứ chưa đủ để Liên minh châu Âu vượt qua những trở ngại của năm 2020 để bước vào một năm 2021 với triển vọng tươi sáng hơn.