Eurozone trước nguy cơ khủng hoảng mới

(VOV5)- Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) lại thu hút sự chú ý của dư luận. Bế tắc chính trị từ cuộc bầu cử vừa qua tại Italy đã khiến mối lo ngại về sự đeo bám "khủng hoảng nợ" sẽ tiếp tục không chỉ đối với Italia mà còn lan rộng đối với nhiều quốc gia khu vực.


Trái với kỳ vọng của nhiều người về cuộc bầu cử (hồi cuối tháng 2/2013) sẽ là cơ hội để Italia giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước hiện nay, còn châu Âu trông chờ sự ổn định chính trị ở nước này để ổn định và phục hồi nền kinh tế châu lục trước “cơn bão” nợ công, nhưng những gì diễn ra đã làm đảo ngược mọi hy vọng vừa mới manh nha hình thành.


Eurozone trước nguy cơ khủng hoảng mới - ảnh 1
Các tấm áp phích bầu cử in hình nhà lãnh đạo liên minh trung tả Pier Luigi Bersani (trái) và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi của liên minh trung hữu trên một bức tường ở thủ đô Rôma. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cuộc bầu cử này được tổ chức sớm hơn dự kiến sau khi Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi vào cuối năm 2012 rút lại sự ủng hộ dành cho Chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Mario Monti, buộc ông này phải từ chức vào đầu tháng 1/2013. Cuộc bầu cử không chỉ quan trọng đối với Italia mà còn đối với cả châu Âu bởi lẽ nó sẽ quyết định số phận của chính sách “thắt lưng buộc bụng” cũng như tiến trình cải cách kinh tế do Thủ tướng Monti khởi xướng và được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới ủng hộ như Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Nhìn lại hơn 1 năm qua, thời điểm Thủ tướng Monti nhậm chức tháng 11/2011, Italia đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự khi tỷ lệ nợ công/GDP của nước này tăng tới hơn 120, cao thứ 2 sau Hy Lạp, quốc gia đầu tiên châm ngòi cho "bão" nợ công ở châu Âu. Sau khi nhậm chức, ông Monti đã đáp ứng được sự mong mỏi của những người ủng hộ trong giới tài chính châu Âu khi áp dụng các chính sách chi tiêu khắc khổ và tăng thuế để giảm tỷ lệ nợ công đang đứng ở mức cao của nước này. Các chính sách này đã giúp đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Italia từ 3,9% trong năm 2011 về mức giới hạn cho phép của Liên minh châu Âu (EU) là dưới 3% vào năm 2012. Trong 15 tháng dưới thời chính quyền Monti, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italia đã giảm hơn 200 điểm cơ sở. Tuy nhiên, các chính sách khắc khổ được áp dụng dưới thời Thủ tướng Monti đã đẩy nền kinh tế Italy rơi vào đợt suy thoái dài nhất trong vòng 20 năm. Năm 2012, Italia đạt tốc độ tăng trưởng âm 2,2%.


Eurozone trước nguy cơ khủng hoảng mới - ảnh 2

Chính phủ Italy dự báo nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy giảm 0,2% trong năm 2013 và sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014, với nhịp độ 1,1%. Do kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói đã tăng mạnh. Trong tháng 12/2012, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục, 11,2%. Điều này khiến nhiều người ở Italia quay lưng với các chính sách khắc khổ của chính quyền Monti. Bằng chứng là theo kết quả công bố sơ bộ của Bộ Nội vụ Italy hồi cuối tháng 2/2013, không đảng nào giành được quyền kiểm soát ở hai viện của Quốc hội. Kết quả này đã là câu trả lời của cử tri đất nước hình chiếc ủng đối với “toa thuốc đắng” mà ông Monti đã kê. Người dân Italia cho rằng một khi chính phủ nước này thông qua kế hoạch khắc khổ và nếu tính luôn cả kế hoạch cắt giảm chi tiêu được người tiền nhiệm Berlusconi phê chuẩn thì tổng cộng họ phải “cõng” gánh nặng 300 tỷ euro trong khoảng thời gian từ 2010-2014. Vì thế, 90% cử tri nước này đã từ chối để ông Monti tiếp tục làm Thủ tướng. Như vậy, trong thời gian tới, Quốc hội Italy có thể sẽ là một "Quốc hội treo", không thể hoạt động được hiệu quả. Giới phân tích cho rằng, trong một Quốc hội bị chia rẽ như vậy, bất cứ chính sách nào cũng sẽ là kết quả của các cuộc dàn xếp và thỏa thuận hậu trường liên miên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc niềm tin của nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và tương lai chính trị của Italia vẫn không rõ ràng, đẩy đất nước Italy đứng trước nguy cơ rơi vào một giai đoạn bất ổn mới.


Eurozone trước nguy cơ khủng hoảng mới - ảnh 3
Thất nghiệp đã tăng cao ở các nước Eurozone

Bất ổn chính trị ở Italy góp phần đẩy chi phí vay mượn tăng lên ở các quốc gia Eurozone khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp tới gần hơn mức lại phải xin cứu trợ, nhất là đối với Tây Ban Nha, khi nước này mới nhận được gói cứu trợ lĩnh vực ngân hàng. Với kết quả này, dư luận cho rằng, nó đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của cử tri Italia nói riêng và người dân châu Âu nói chung đối với chính sách "thắt lưng, buộc bụng" mà chính phủ nhiều nước thành viên Eurozone đang áp dụng.

Nhiều người lo ngại sự ra đi của Thủ tướng Monti sẽ khiến Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 trong số 17 quốc gia sử dụng đồng euro và là một trong những sáng lập viên của Eurozone, đi chệch khỏi quỹ đạo cải cách hiện nay và làm trầm trọng thêm “căn bệnh nợ công” vẫn đang ám ảnh Lục địa già này. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến việc đạt được đồng thuận trong EU nếu thiếu ông Monti, người đã vượt qua sự phản đối của Đức tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2012 để giúp EU đạt được đồng thuận trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp khó khăn.

Hiện tại, theo hiến pháp Italia, Quốc hội khoá mới sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên trong vòng 20 ngày sau cuộc tuyển cử và ngay sau đó, Tổng thống Italia bắt đầu gặp gỡ, thảo luận với các chính đảng, liên minh về việc thành lập Chính phủ mới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cho dù chính phủ liên minh nào được thành lập thì tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài có thể sẽ vẫn tiếp tục ở nước này bởi chính phủ mới sẽ không đủ mạnh để theo đuổi các cuộc cải cách khắc nghiệt để tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế Italy./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác