(VOV5) - Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu lớn nhất từ trước tới nay, lên tới gần 17 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với cả năm trước.
Tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2020 diễn ra ngày 29/9, Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết GDP 9 tháng của Việt Nam tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy đây là mức tăng thấp nhất 10 năm qua nhưng là thành công lớn của Việt Nam so với bình diện quốc tế. Nhiều lĩnh vực là điểm sáng của nền kinh tế khi tăng trưởng dương, trong bối cảnh tác động tiêu cực đa chiều.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương chủ trì họp báo - Ảnh: baotintuc.vn
|
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì mức tăng trưởng GDP 2,12% trong 9 tháng qua là một thành công lớn trong phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế, cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế trong quý 3 đã nhanh hơn so với quý 2.
Kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ
Đại dịch Covid-19 thực sự tác động lớn đến giới doanh nghiệp nhưng những tín hiệu tích cực đã được phát đi khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2020 đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng thiếu việc làm được cải thiện.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 388,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, với dấu ấn hơn 202 tỷ USD. Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu lớn nhất từ trước tới nay, lên tới gần 17 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với cả năm trước. Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê, Phạm Đình Thúy khẳng định, kết quả này cho thấy tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ ban hành; các ngành, các địa phương và nhân dân triển khai nghiêm túc, hiệu quả - đặc biệt là nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội: “Trong điều kiện khó khăn của dịch Covid - 19, tất cả các nền kinh tế lớn đều suy giảm nghiêm trọng. Nhiều nước chỉ mong tăng trưởng không âm là tốt rồi. Trong điều kiện đó Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đây là một con số ấn tượng, tôi cho là điểm sáng của nền kinh tế như Việt Nam”.
Đáng chú ý, cách đây chưa lâu, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á đã nhận định, duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đương ở quý 3, quý 4, Việt Nam chắc chắc lọt top 10, thậm chí top 5 tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới. Con số 2,12% tăng trưởng GDP của quý 3 đang góp phần sáng tỏ nhận định này.
Cảng biển là một điểm sáng trong thu hút vốn FDI của ngành giao thông - Ảnh: TTXVN |
Dấu hiệu khả quan trong những tháng cuối năm
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng khá hơn trong quý 4 và tăng trưởng cả năm đạt mức 2 - 3% là khả thi nhờ những yếu tố: kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều loại cây ăn quả được mùa, giá gạo và thị trường tiêu thụ một số nông sản ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên lượng vốn đầu tư công trong quý 4/2020 được giải ngân mạnh là rất lớn. Cùng với đó, Việt Nam đã trải qua 4 tuần không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng và đang dần mở lại các đường bay quốc tế nên ngành vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng, vui chơi giải trí sẽ gia tăng mạnh vào dịp cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để tạo thêm động lực cho sự tăng trưởng, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết: “Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời có các gói hỗ trợ cần kíp đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân; vận động người dân ủng hộ doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Hai là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ba là điều chỉnh phương án cơ cấu sản xuất, dự đoán nhu cầu thị trường. Bốn là kích cầu đầu tư, tận dụng cơ hội từ EVFTA, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước có đủ năng lực sản xuất. Năm là điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá linh hoạt, hài hòa với các chính sách khác”.
Với mức tăng trưởng 2,12 % trong 9 tháng của năm 2020, tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các nền kinh tế lớn phải đối mặt với tình trạng suy giảm sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua thì GDP tăng trưởng ở mức trên là kết quả khả quan, là động lực để Việt Nam đạt thành quả tốt hơn trong chặng đường phía trước.