GDP tăng trưởng cao – dấu hiệu tích cực của nền kinh tế

(VOV5) -  9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây và là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.


Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được động lực tăng trưởng, tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm nay.

                  
GDP tăng trưởng cao – dấu hiệu tích cực của nền kinh tế - ảnh 1
Ảnh minh họa: internet

Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế hầu như diễn ra đồng đều ở mọi lĩnh vực. Nhóm ngành nông nghiệp tăng 1,77%. Nhóm ngành công nghiệp – xây dựng tăng trưởng cao hơn nhiều cùng kỳ 3 năm trước, trở lại là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ tuy thấp hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế nhưng vẫn đạt kết quả khả quan.

Sản xuất phục hồi rõ nét

Động lực tăng trưởng 9 tháng qua chủ yếu là do sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với đó là sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu cũng được cải thiện đáng kể nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở mức thấp.

Chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2-3% như hiện nay là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Xu hướng kinh doanh của khu vực doanh nghiệp cũng phản ánh những tín hiệu tích cực. Trong 9 tháng, có 68.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số vốn đăng ký, cùng số lượng các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng chứng tỏ nguồn vốn tín dụng tăng trưởng đã tạo động lực thực sự cho sản xuất khối doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng: "9 tháng qua công nghiệp phát triển vượt trội đặc biệt là công nghiệp chế tạo. Đây là xu hướng đúng. Động lực để đạt tăng trưởng kinh tế có thể nhìn thấy ở cung và cầu đều có yếu tố tích cực. Về tổng cung thì có sự phục hồi mạnh về đầu tư. Về tổng cầu, 9 tháng , kim ngạch bán lẻ dịch vụ và hàng hóa tăng tới 9,1%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Về sâu xa, có sự phục hồi về cầu và cung là do tác động đáng kể của tái cơ cấu nền kinh tế. Việc tái cơ cấu này mang lại sự ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay từ năm 2011 cho đến  nay,  gần như chúng ta duy trì rất tốt sự ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sự ổn định kinh tế vĩ mô tạo ra nền móng căn bản cho niềm tin của thị trường (niềm tin của nhà đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng).

Tạo đà để GDP tăng 6,5% cả năm 

Trong những tháng cuối năm kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn sẽ tiếp tục trên đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt 6,5% cả năm. Vì theo quy luật thị trường, tốc độ tăng trưởng quý IV sẽ là cao nhất trong năm bởi giá trị xuất khẩu tăng và nhu cầu chi tiêu nội địa cuối năm cũng sẽ lớn.

Muốn đạt mức tăng trưởng này cần nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có việc điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn…Các Bộ, ngành cũng như doanh nghiệp tiếp tục  cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tạo thuận lợi thương mại. Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), phân tích: “Con số 6,5% rất đáng khích lệ. Nếu chúng ta muốn tiến lên thì chúng ta phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hãy để thị trường làm nhiều việc hơn trong việc phân bổ nguồn lực còn nhà nước chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh,  hỗ trợ thị trường”.

Tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng hàng đầu của 5 mục tiêu tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp và đói nghèo. Việc 9 tháng qua, GDP Việt Nam đạt 6,5%, cao nhất trong vài năm gần đây, không chỉ cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế mà xa hơn là Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác