Gia nhập ASEAN: Bước hội nhập chiến lược

(VOV5) – Ngày 28/07 đánh dấu tròn 19 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (28/7/1995 – 28/7/2014). 19 năm tham gia ASEAN, thực tiễn đã chứng minh chủ trương gia nhập ASEAN là quyết sách đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa lịch sử và chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Gia nhập ASEAN: Bước hội nhập chiến lược - ảnh 1
Cờ của các nước tham gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Ảnh: TTXVN)

 

Ngày 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, trong tiếng Quốc ca hùng tráng, Quốc Kỳ Việt Nam đã tung bay phấp phới cùng cờ của 6 thành viên ASEAN khác, mở ra một trang sử mới của khu vực: Việt Nam chính thức là thành viên thứ 7 của ASEAN. Sự kiện này là một dấu son trên con đường hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam.

 

Lợi ích chiến lược với ASEAN

 

19 năm là một quãng thời gian không dài, nhưng trong những tháng năm đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: góp phần củng cố môi trường hoà bình, an ninh thuận lợi hơn cho sự phát triển, bổ sung cho quan hệ song phương bằng quan hệ đa phương thâm hữu trong ASEAN, tham gia có hiệu quả vào quá trình liên kết kinh tế khu vực thông qua việc thực hiện AFTA, khu vực đầu tư ASEAN, tạo thuận lợi cho buôn bán trong khu vực, nối mạng đường bộ, các mạng lưới điện, khí đốt, hợp tác trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, giao thông vận tải, văn hoá, thông tin, giáo dục, phát triển xã hội, xoá đói giảm nghèo, phòng chống tội phạm, bệnh tật…. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng: Việt Nam vào ASEAN năm 1995 và đó cũng là thời điểm định hướng xây dựng cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nhất những trách nhiệm của quốc gia đối với những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra. Nhìn lại quá trình từ đó đến nay, chúng ta đã tích cực tham gia xây dựng những cơ chế ở cấp khu vực.

 

Điều không kém phần quan trọng là Việt Nam xây dựng được mối quan hệ láng giềng tốt, hợp tác và giúp đỡ nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Là thành viên ASEAN cũng tạo thế cho Việt Nam mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu vực rộng lớn hơn như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tiến trình hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

 

Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng ASEAN

 

Việt Nam luôn xác định một ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết và thống nhất, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng là hoàn toàn phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của Việt Nam. Bởi vậy, 19 năm qua, cùng các thành viên khác, Việt Nam cùng ASEAN đã vượt qua những khác biệt và tồn tại do lịch sử để lại, đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên tinh thần hữu nghị và đoàn kết.

 

Trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN, Việt Nam tiếp tục chủ trương tham gia hợp tác ASEAN theo tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm như chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết ASEAN, tích cực cùng ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp cũng như các thách thức đang đặt ra nhằm duy trì sức sống cũng như giá trị của Hiệp hội trong hoàn cảnh mới. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định: Việt Nam sống ở môi trường Đông Nam Á thì nếu môi trường này, khu vực này phát triển hòa bình thì chúng ta có lợi ích. Do vậy, chúng ta đặt lợi ích chiến lược vào việc ASEAN phát triển cộng đồng, coi đây là lợi ích sát sườn. Khi ASEAN trở thành cộng đồng thì ngoài môi trường hòa bình, ổn định, phát triển thì chúng ta còn tranh thủ được lợi thế từ các nền kinh tế trong ASEAN có thể cộng hưởng, cùng giúp đỡ hỗ trợ nhau phát triển

 

Trước mắt, Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực để , góp phần cụ thể hóa các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, đề cao hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới và năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ ngoại giao Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh: Làm sao để củng cố đoàn kết, phối hợp lập trường chung của ASEAN trong vấn đề khu vực, quốc tế, duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN. Đây là vấn đề rất quan trọng và nhiều thách thức. Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy quá trình liên kết, xây dựng cộng đồng: tăng cường kết nối, vấn đề hạ tầng cơ sở, con người với con người, thể chế... Trong nội bộ của mình, Việt Nam tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc tăng cường thúc đẩy trong ASEAN để việc tham gia vào ASEAN cho đồng bộ.

 

19 năm, một chặng đường Việt Nam hội nhập vào khu vực. Việt Nam đã có những đóng góp nhất định cho sự tồn tại, phát triển của ASEAN và cũng đã đạt được những thành quả bước đầu. Phía trước của ASEAN tuy còn nhiều cơ hội để phát triển, song cũng không ít thách thức đòi hỏi Việt Nam cũng như các thành viên khác trong ASEAN phải tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau đưa ra những ý tưởng mới và các biện pháp thực hiện các ý tưởng đó để có thể biến ý tưởng của “tầm nhìn 2020" thành hiện thực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN và trở thành một nhân tố chủ đạo của Cộng đồng Châu Á./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác