(VOV5) - Hội nghị lần thứ 18 của Liên hợp quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Qatar (COP 18) tuy đã đi được hơn một nửa chặng đường nhưng đến nay vẫn chưa xuất hiện một tín hiệu khả quan nào trong việc xác định tương lai cho Nghị định thư Kyoto, văn kiện ràng buộc pháp lý duy nhất hiện nay về mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính sẽ chính thức hết hiệu lực vào cuối năm nay. Điều này không mấy bất ngờ vì ngay từ khi mới bắt đầu (26/11), dư luận đã hoài nghi về thành công của Hội nghị, vốn được coi là cơ hội lịch sử để có được chuyển biến cơ bản trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị lần thứ 18 của Liên hợp quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung thảo luận khung pháp lý mới nhằm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có mục tiêu làm thế nào để gia hạn Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là việc các nước phải đồng thuận về kế hoạch tăng số tiền viện trợ cho biến đổi khí hậu. Tuy nhiên tuần họp đầu tiên, ở tất cả các nội dung của COP 18 đều xuất hiện những mâu thuẫn sâu sắc của hơn 200 quốc gia tham dự Hội nghị. Về cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề được quan tâm nhiều nhất, Hội nghị cho thấy thái độ chần chừ của các nước phát triển trong việc đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo của Nghị định thư Kyoto. Liên minh châu Âu (EU) đặt quyết tâm với việc cam kết sẽ cắt giảm tối thiểu 20% tổng lượng khí thải vào năm 2020 (so với mức của năm 1990) và sẽ nâng mức cắt giảm này lên 30% cho giai đoạn sau năm 2020. Trái ngược với thiện chí này của EU, Canada, Nhật Bản và New Zealand tuyên bố sẽ rút khỏi Nghị định thư sau năm 2012. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thẳng thừng tuyên bố không tham gia bất kỳ thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu nào nếu không có sự góp mặt của nhóm 4 nước nền tảng (BASIC - gồm Trung Quốc, Ấn độ, Brazil và Nam Phi).
|
Ngoài bất đồng về cắt giảm khí thải, ghi nhận tại Hội nghị còn cho thấy các bên cũng chia rẽ về thời gian xác định giai đoạn II của Nghị định thư. Trong khi EU và nhóm BASIC đề xuất giai đoạn II của Nghị định thư nên kéo dài 8 năm để phù hợp với các mục tiêu đề ra cho năm 2020, thì một số nước khác, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ, muốn giai đoạn này chỉ kéo dài 5 năm nhằm buộc các nước phát triển phải đẩy mạnh hơn nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính.
Một vấn đề nữa cũng đang còn bỏ ngỏ là nghĩa vụ đóng góp tài chính của các nước phát triển cho các nước đang phát triển trong việc khắc phục hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Các bên chưa đạt được nhất trí về phương thức tính toán, báo cáo và thẩm định lượng khí phát thải cũng như số tiền mà các nước phát triển phải đóng góp cho các nước đang phát triển.
Trái ngược với tốc độ thảo luận trì trệ của COP 18, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng mạnh mẽ trên Trái Đất. Theo báo cáo mới công bố của Liên hợp quốc, nồng độ CO2 trong không khí đã tăng hơn 20% kể từ năm 2000 cho đến nay. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu các nước không nhanh chóng hành động để giảm lượng phát thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên mức 4°C trong thế kỷ này, vượt gấp đôi so với 2°C mà Liên hợp quốc ước tính ban đầu. Mức nóng gia tăng là 6°C hay cao hơn sẽ xảy ra ở vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và nhiều nơi ở Mỹ. Nhân loại sẽ chứng kiến những thảm họa thiên nhiên khốc liệt hơn. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết lượng khí thải vào khí quyển Trái Đất gây hiệu ứng nhà kính đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2011 kể từ thời kỳ tiền công nghiệp năm 1750.
Trước thực trạng này, tại Hội nghị, Liên minh các quốc đảo (AOSIS) tuyên bố việc trì hoãn các thoả thuận sẽ khiến thế giới mất cơ hội đảo ngược một thảm hoạ toàn cầu và đối diện với nguy cơ mất đi nhiều quốc gia thành viên. Thậm chí, mặc dù Hội nghị lần thứ 18 của Liên hợp quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu đến cuối tuần này mới bế mạc nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng Hội nghị sẽ chỉ đi tới một văn kiện thỏa hiệp mà ai cũng tỏ ý thức phải nhanh chóng đạt thỏa thuận mới kế thừa Nghị định thư Kyoto nhưng ai cũng hành động cầm chừng để chờ đợi và đòi hỏi các đối tác khác hành động mạnh mẽ hơn.
Trái Đất đang ngày một nóng lên kéo theo đó là những hệ luỵ khôn lường với nhân loại nhưng xem ra sự nóng lên này không đủ để hâm nóng nhiệt huyết của nhiều nước phát triển tại COP 18./.