(VOV5) - Hôm nay 17/10 là Ngày thế giới xóa đói giảm nghèo. Chủ đề năm nay do Liên hợp quốc đưa ra là “Chấm dứt đói nghèo”- được xem như là mệnh lệnh thúc giục thế giới cùng hành động. Bởi cho dù thế giới đã hoàn thành mục tiêu giảm đói nghèo-mục tiêu đầu trong 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 2000 - trước thời hạn 5 năm, song cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đặt ra những thách thức mới, đe dọa làm tiêu tan thành quả xóa đói giảm nghèo của nhiều quốc gia, khiến cho cuộc chiến chống đói nghèo càng trở nên cam go hơn bao giờ hết.
Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay đã đẩy 50 triệu người vào cảnh nghèo đói. Ảnh: AFP
Chống đói nghèo là cuộc chiến mà cả cộng đồng quốc tế nỗ lực tiến hành từ nhiều thập kỷ qua. Mặc dù đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu giảm đói nghèo, song cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu bùng phát năm 2008 ở Mỹ rồi lan nhanh ra khắp thế giới đã tác động tiêu cực tới thành tựu giảm đói nghèo trên toàn cầu. Thế giới hiện vẫn còn 1,3 tỷ người sống cùng khổ, 900 triệu người thường xuyên thiếu dinh dưỡng, 1 tỷ người thường xuyên thiếu vitamin và khoáng chất. Theo Tổ chức lao động quốc tế, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến hơn 30 triệu người bị mất việc làm kể từ khi khủng hoảng bùng nổ năm 2008, nâng tổng số người thất nghiệp lên mức 220 triệu hiện nay, trong đó thanh niên chiếm hơn 1/3. Nguy cơ thất nghiệp đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng khi những chính sách thắt lưng buộc bụng của nhiều quốc gia trên thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp.
Điều đáng lo ngại là những thành tựu mà nhân loại đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo đang có nguy cơ bị đẩy lùi bởi biến động giá lương thực và năng lượng. Dân số thế giới tăng nhanh trong khi sản xuất lương thực không tăng đẩy giá lương thực tăng cao một cách không thể kiểm soát. Thiên tai, sự thiếu đa dạng các loại cây lương thực, sử dụng không hiệu quả đất trồng, nước tưới cùng với bất ổn, giao tranh tại nhiều khu vực… cũng là nguyên nhân làm cho sản lượng lương thực giảm. Theo thông báo hôm qua của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), hiện nhu cầu lương thực của thế giới tăng cao vượt quá cung trong khi lương thực dự trữ thế giới xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974. Nếu lương thực dự trữ trước đây có thể nuôi sống thế giới trong 107 ngày thì nay chỉ còn 74 ngày. Trong khi đó, thế giới cũng đang đối mặt với một loạt các vấn đề năng lượng khó giải quyết. Trong lòng đất, trữ lượng dầu lửa, hơi đốt và than đá, một thời dồi dào, hiện đang ngày một cạn kiệt. Trên mặt địa cầu, những tính toán của con người cũng đang đẩy thế giới đứng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu mới. Nỗ lực của Mỹ và các nước phương Tây muốn buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân đã gián tiếp tạo nên sự phân bố lại lực lượng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, làm mất cân bằng cán cân cung - cầu do yếu tố địa chính trị giữ vai trò quan trọng.
Thế giới cần hành động. Trong thông điệp nhân ngày Thế giới chống đói nghèo năm nay, Liên hợp quốc kêu gọi, khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đang tạo ra cơ hội cho một cuộc cải cách toàn diện. Thế giới cần vạch ra một lộ trình mới bảo đảm sự bình đẳng xã hội và tăng trưởng kinh tế. Chính phủ các nước cần đồng thuận tạo ra một khuôn khổ hành động, để giải quyết tình trạng thiếu lương thực và năng lượng trong tương lai gần. Liên hợp quốc đã đưa ra 5 lĩnh vực cần được cải thiện trong nền kinh tế toàn cầu bao gồm đẩy nhanh các nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói nghèo trên toàn cầu, cung cấp viện trợ phát triển cho các nước đang cần viện trợ nhất, bãi bỏ gánh nặng về các điều kiện vay nợ, tăng cường trách nhiệm và sự minh bạch, tăng cường các cam kết về sự bền vững. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay, xem ra những mục tiêu mà LHQ đưa ra khó có thể thực hiện được. Ước tính, mỗi năm thế giới phải bỏ ra khoảng 75 tỷ USD để chi cho cuộc chiến “xóa đói giảm nghèo” trong đó các nước công nghiệp phát triển đóng góp khoảng 50% và phần còn lại lấy từ ngân sách của các nước đang phát triển. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho nhiều quốc gia đang phải vật lộn với vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ quốc gia chồng chất, làm xao lãng trách nhiệm chung. Bên cạnh đó, sự thiếu ý chí chính trị của một số nước lớn đang là lực cản cho sự phối hợp cùng hành động chống đói nghèo. Nhân ngày lương thực thế giới 16/10, hôm qua, Pháp đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Diễn đàn phản ứng nhanh (RRF- nhóm các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp toàn cầu nhằm ngăn chặn khủng hoảng về nông nghiệp) do G20 mới thành lập, để đề ra các biện pháp chống khủng hoảng lương thực trong vòng 4 năm tới. Song, cuộc họp này không thể diễn ra vì Mỹ, nước đang giữ ghế chủ tịch RRF không tán thành với lý do chưa cần thiết.
Dự kiến, dân số thế giới sẽ tăng từ 7 tỷ hiện nay lên 9 tỷ người vào năm 2040. Đến năm 2030, thế giới sẽ cần thêm ít nhất 50% lương thực, 45% năng lượng so với nhu cầu hiện nay, trong khi điều kiện môi trường đang thay đổi theo hướng bất lợi cho nguồn cung và 3 tỷ người có thể bị rơi vào nghèo đói. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, vấn đề nghèo đói chỉ có thể được giải quyết khi có sự chung tay hành động của tất cả các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc chiến xóa đói giảm nghèo còn cả một chặng đường dài cam go phía trước./.