(VOV5) - Ngoài Afghanistan, IS còn hiện diện và hoạt động mạnh mẽ tại hàng chục quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông với trọng tâm là Syria, Iraq, Ai Cập, Libya.
Ngày 11/9 tới đây là tròn 21 năm ngày xảy ra loạt vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào 2 tòa tháp thương mại tại New York và Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington. Trong hơn hai thập niên sau sự kiện được đánh giá là “làm thay đổi thế giới” này, nước Mỹ và cộng đồng quốc tế đã tiến hành nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều chiến dịch chống khủng bố ở các quy mô khác nhau. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu vẫn chưa thể kết thúc và chủ nghĩa khủng bố đến nay vẫn được coi là một trong những thách thức lớn đối với sự ổn định của mỗi quốc gia và toàn thế giới.
Khói bốc lên từ một vụ đánh bom khủng bố tại Afghanistan. Ảnh: TTXVN |
Cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ một báo cáo tổng quan độc lập nào về những thiệt hại, tổn thất do hoạt động khủng bố gây ra trên phạm vi toàn cầu sau sự kiện 11/9/2001. Tương tự, cũng chưa có bất kỳ thống kê chính xác nào về tổng số chiến dịch chống khủng bố quy mô quốc tế hay quốc gia đã được các nước triển khai trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, có một thực tế đã được Liên hợp quốc, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế cùng thừa nhận là: hoạt động khủng bố vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ nghĩa khủng bố vẫn là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.
Thách thức nghiêm trọng và tiềm ẩn thường trực
Một trong những ví dụ điển hình và rõ ràng nhất về sự phức tạp của hoạt động khủng bố và chủ nghĩa khủng bố là tại Afghanistan, quốc gia mục tiêu tấn công đầu tiên trong chiến dịch chống khủng bố quy mô toàn cầu mà phát Mỹ động sau loạt vụ tấn công khủng bố tại nước Mỹ hôm 11/9/2001. Theo đó, ngày 7/10/2001, Mỹ và các đồng minh đã phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Afghanistan mang tên “Tự do bền vững” nhằm mục tiêu “tiêu trừ khủng bố”. Chiến dịch kết thúc tháng 8/2021 với việc lực lượng Taliban trở lại nắm quyền lực tại Afghanistan.
Lực lượng an ninh Afghanistan chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ đánh bom ở tỉnh Herat, ngày 1/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thế nhưng, sau chiến dịch chống khủng bố kéo dài gần 20 năm khiến hơn 3.500 lính Mỹ và đồng minh thiệt mạng, các nhóm khủng bố vẫn hiện diện, hoành hành và liên tiếp gây ra những tội ác kinh hoàng tại Afghanistan. Ví dụ đáng chú ý mới nhất là vụ đánh bom xe bên ngoài trụ sở Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kabul do Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện hôm 5/9 vừa qua. Ít nhất hai nhà ngoại giao cấp cao bị sát hại cùng khoảng 20 người khác bị thương trong vụ tấn công này.
Ngoài Afghanistan, IS còn hiện diện và hoạt động mạnh mẽ tại hàng chục quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông với trọng tâm là Syria, Iraq, Ai Cập, Libya… Có thời điểm, IS đã kiểm soát tới 1/3 lãnh thổ Iraq (năm 2014), cùng nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria, Libya… Cùng với IS, tổ chức khủng bố khét tiếng toàn cầu Al Qaeda cũng liên tiếp gây tội ác tại nhiều nơi trên thế giới, bất chấp việc nhiều thủ lĩnh tối cao của tổ chức này đã bị lực lượng chống khủng bố Mỹ tiêu diệt những năm qua, trong đó trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt năm 2011 và thủ lĩnh cấp cao Ayman Al-Zawahiri vừa bị tiêu diệt hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Hiện trường một vụ đánh bom tại Raqqa, Syria. Ảnh: TTXVN |
Không chỉ tàn bạo và đẫm máu hơn, mà thủ đoạn và phương thức tấn công khủng bố cũng ngày càng tinh vi và khó đối phó hơn, để lại sự ám ảnh nặng nề cho các nạn nhân sống sót và những người thân của họ. Trong phát biểu nhân “Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố” của Liên hợp quốc hồi tháng 8 vừa qua, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách chống khủng bố Vladimir Voronkov cho rằng các tổ chức khủng bố đang thay đổi cách thức hoạt động, trong đó có lợi dụng mạng Internet vốn rất cần thiết trong đại dịch Covid-19, để tuyên truyền kích động, gây thêm những nỗi ám ảnh cho nhiều người, đặc biệt là những nạn nhân đã từng trải qua biến cố.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hầu hết các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố là những người dân vô tội có mặt ở sai chỗ và sai thời điểm, bị những kẻ tấn công nhắm tới. Nhiều báo cáo và phân tích liên quan cũng khẳng định dân thường vô tội thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các hoạt động khủng bố. Điều đó cho thấy sự vô nghĩa, tàn ác, vô nhân đạo và đáng bị lên án của tất cả các hành động khủng bố dù dưới bất kỳ danh nghĩa hay vỏ bọc nào. Có nghĩa là chủ nghĩa khủng bố, mọi hành động khủng bố cần bị ngăn chặn một cách triệt để, mọi lúc, mọi nơi.
Không chỉ tàn bạo và đẫm máu hơn, mà thủ đoạn và phương thức tấn công khủng bố cũng ngày càng tinh vi và khó đối phó hơn, để lại sự ám ảnh nặng nề cho các nạn nhân sống sót và những người thân của họ.
Trong thông điệp đặc biệt nhân Ngày quốc tế tưởng nhớ và tri ân các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố năm 2022 với chủ đề “Ký ức”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi các quốc gia và toàn thế giới có những hành động thiết thực để biến những ký ức thành một phương thức quyền năng giúp thế giới ngăn chặn khủng bố. Người đứng đầu Liên hợp quốc hối thúc các quốc gia cùng nỗ lực để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố trong tương lai, cùng cam kết hỗ trợ những người sống sót sau các hành động khủng bố tàn ác bằng cách khiến tiếng nói của họ có trọng lượng hơn, bảo vệ quyền lợi của họ và tìm kiếm công lý cũng như vận động các quốc gia thành viên hỗ trợ về pháp lý, y tế, tâm lý xã hội hoặc tài chính để họ chữa lành vết thương và được tôn trọng trong cuộc sống.
Còn dưới góc độ nghiên cứu nguyên nhân sâu xa hình thành chủ nghĩa khủng bố, nhiều nhà phân tích quốc tế có chung quan điểm rằng, chống khủng bố là cuộc chiến cam go, phức tạp và đầy thách thức của toàn nhân loại. Để đi đến chiến thắng cuối cùng trước chủ nghĩa khủng bố, cần có nỗ lực hợp tác thiện chí, thực chất trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa và cả ý thức hệ của tất cả các cộng đồng, quốc gia cũng như mỗi cá nhân trên toàn thế giới.