(VOV5) - Theo Tổng thống Hàn Quốc ông Moon Jae –in, việc đàm phán với CHDCND Triều Tiên đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân và phát triển chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa ra đề nghị đàm phán quân sự với CHDCND Triều Tiên trong tuần này sau hàng loạt vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Đây là lời đề xuất chính thức đầu tiên từ chính quyền Tổng thống Moon Jae-in từ khi ông lên nắm quyền (tháng 5) và cam kết giải quyết vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại. Đề xuất đàm phán là dấu hiệu cho thấy thiện chí từ Hàn Quốc trong việc hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên song có thể đàm phán được hay không là điều không dễ dàng.
Thứ trưởng Suh Choo-suk phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 17-7. Ảnh: AP |
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk, Hàn Quốc sẽ đề nghị một cuộc đàm phán quân sự với CHDCND Triều Tiên vào ngày 21/7, tại Tongilgak nhằm ngăn chặn các hành động thù địch khiến căng thẳng quân sự leo thang tại tuyến ranh giới quân sự của hai nước.
Seoul đề nghị Bình Nhưỡng phản hồi đề xuất mới thông qua kênh liên lạc quân sự liên Triều nhưng không nói rõ chương trình nghị sự của cuộc đối thoại.
Trước đó, CHDCND Triều Tiên luôn lên án các cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc, tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ. Hồi tháng 3/2017, Trung Quốc đã đề xuất Mỹ-Hàn chấm dứt các cuộc tập trận có khoa mục giả định nhắm vào CHDCND Triều Tiên, đổi lại việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Washington đã từ chối và yêu cầu Bình Nhưỡng cần thay đổi thái độ trước.
Lời đề nghị đúng thời điểm?
Theo Tổng thống Hàn Quốc ông Moon Jae –in, việc đàm phán với CHDCND Triều Tiên đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân và phát triển chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhận định của Tổng thống Hàn Quốc xuất phát từ việc ngày 4/7, Bình Nhưỡng đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên, tuyên bố nước này có thể làm chủ được công nghệ lắp ráp tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và sẽ tiếp tục chương trình phát triển tên lửa của mình bất chấp phản đối từ Liên hợp quốc. Theo Yonhap, Hàn Quốc có thể sẽ đề nghị hai miền Triều Tiên ngừng các chương trình phát thanh tuyên truyền chống đối nhau ở khu vực biên giới còn CHDCND Triều Tiên có thể yêu cầu Seoul ngăn chặn các nhà hoạt động Hàn Quốc rải tờ rơi với nội dung chống Bình Nhưỡng.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk. Ảnh: Yonhap |
Giới quan sát dự đoán rất có khả năng CHDCDN Triều Tiên sẽ chấp nhận đề xuất của Hàn Quốc vì khi phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 5/2016, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng hy vọng về cuộc đối thoại quân sự với miền Nam nhằm giảm nguy cơ đụng độ vũ trang ở biên giới và hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước. Đáng chú ý hơn, cùng ngày 17/7, ngày chính quyền Seoul phát đi thông tin đề nghị đối thoại quân sự liên Triều, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng đăng xã luận hàm ý đặt điều kiện đối thoại với Hàn Quốc. Bài xã luận của Rodong Sinmun nhấn mạnh rằng "Như Tổng thống Hàn Quốc đã nói, một khởi đầu phù hợp là điều quan trọng cho mọi thứ... để đạt được hòa bình và tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, rất cần một xuất phát điểm hoàn hảo.Điều cần làm bây giờ là giải quyết ngay những vấn đề cần kíp nhất, và dàn xếp vấn đề cơ bản đó ngay từ điểm xuất phát".
Rào cản trước mắt
Lời đề nghị của chính phủ Hàn Quốc về việc tổ chức đàm phán liên Triều nhận được phản ứng khác nhau từ các chính đảng tại Hàn Quốc. Đảng Hàn Quốc Tự do đối lập chính gọi đề nghị được đưa ra trước đó cùng ngày là một động thái “đơn phương” trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên tiến hành các hành động khiêu khích. Tuy nhiên Đảng này bày tỏ “nhất trí về nguyên tắc” đối với một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, đảng Dân chủ cầm quyền hoan nghênh đề nghị trên là một “bước đi kịp thời” để Hàn Quốc nắm giữ vai trò dẫn dắt trong nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng không nên có sự phân biệt về tư tưởng hay đảng phái trong các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng liên Triều và thúc đẩy đối thoại song phương.Đảng Nhân dân theo đường lối trung tả nhấn mạnh hai miền Triều Tiên cần xem xét vấn đề các gia đình bị ly tán từ quan điểm nhân đạo và cho rằng không nên “quá vội vàng” theo đuổi đối thoại quân sự khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích vũ trang.
Trong khi đó, ngày 17/7, Nhà Trắng ám chỉ sự không tán thành với đề xuất của Hàn Quốc về đối thoại quân sự liên Triều, cho rằng các điều kiện hiện nay là xa vời đối với những người muốn nối lại cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.
Đề xuất đối thoại quân sự của Hàn Quốc nếu được CHDCND Triều Tiên hưởng ứng sẽ là cuộc đối thoại quân sự liên Triều đầu tiên trong gần 3 năm qua. Dư luận đang chờ đợi phản ứng chính thức từ phía Bình Nhưỡng và hy vọng hai bên nắm lấy cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.