Hạ thấp mục tiêu tăng trưởng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

(VOV5)- Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những ngày gần đây liên tục được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và mới đây nhất là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cập nhật, ở mức trên 5%, thấp hơn so với dự báo cách đây 4 tháng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều chuyên gia nhận định, đây là mức tăng trưởng hợp lý bởi Việt Nam đang phải dồn trọng tâm lớn hơn vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho nền kinh tế khởi sắc hơn trong năm 2013 và những năm tiếp theo.


Hạ thấp mục tiêu tăng trưởng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô - ảnh 1
Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Ảnh: Chinhphu.vn


Mặc dù dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm trong năm 2012 nhưng các tổ chức quốc tế đều nhận định, trong năm 2013, mức tăng trưởng này sẽ được cải thiện. Cơ sở để các tổ chức này đưa ra nhận định đó vì theo họ, song song với việc kiềm chế lạm phát, chính phủ Việt Nam đang có sự điều hành tốt các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những ví dụ cụ thể là chính sách tài khóa dần được nới lỏng. Việt Nam đã liên tục hạ lãi suất từ 15% thời điểm cuối năm 2011 xuống 11% đến giữa năm nay để thích ứng với sự đi xuống của lạm phát. Cùng với những động thái kiên quyết tập trung xử lý tình trạng nợ xấu gần đây, mà một trong những biện pháp đang được Chính phủ cân nhắc là thành lập một công ty mua, bán nợ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước với số vốn khoảng 100 nghìn tỷ đồng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trong năm 2013 để lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng. Cùng với linh hoạt các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Đầu tư công đang giảm, từng bước nhường sân cho lĩnh vực tư. Theo tinh thần nghị quyết trung ương, trong tái cấu trúc đầu tư thì trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Theo đó, những gì mà lĩnh vực tư nhân có thể đầu tư thì Nhà nước dành cho khối tư nhân. Trong những năm tới, Nhà nước giảm dần tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng. Nhà nước có phần vốn hỗ trợ tư nhân thông qua các mô hình như đối tác công tư.

Gia hạn thuế giá trị gia tăng cũng là một giải pháp tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy xuất khẩu. Theo báo cáo của ADB, cùng với Trung Quốc, Việt Nam là 1 trong 2 nước duy nhất trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương không bị giảm tăng trưởng xuất khẩu, trong khi hầu hết các nền kinh tế chủ đạo trong khu vực đều có sự sụt giảm mạnh. Cùng với đó là đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư, trong tháng 9, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 1 tỉ USD. Tính chung 9 tháng, tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,52 tỉ USD, trong đó giải ngân hơn 8,1 tỉ USD. Đây là những tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI. 



Hạ thấp mục tiêu tăng trưởng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô - ảnh 2


Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết: 9 tháng đầu năm, so với năm 2011 vốn đăng ký thấp hơn nhưng vốn giải ngân chúng ta cũng đạt được xấp xỉ 2011 tức là 98%, đây là dấu hiệu tốt. Thứ hai là đầu tư vào công nghệ, sản xuất tương đối cao. Trước 2012, không có công ty nào đầu tư ở mức 1 tỷ đô, nhưng trong 9 tháng năm 2012 có 2 công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký tương đối lớn, trong đó có 1 công ty bất động sản. Trong khi thị trường bất động sản đóng băng, chậm nhưng họ vẫn đầu tư tức là họ có tầm nhìn xa chắc chắn thị trường này vẫn phát triển trong tương lai.

Các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù mối liên kết giữa Việt Nam và thế giới vẫn còn chưa thực sự chặt chẽ, song Việt Nam vẫn chịu những ảnh hưởng nhất định từ sự suy thoái của các nền kinh tế thế giới. Vì thế một trong những yêu cầu cần thiết là tăng cường năng lực dự báo vĩ mô để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý tham gia 1 chương trình đánh giá ngành tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới, dự kiến hoàn thành vào quý 1 năm 2013. Qua đó dựa trên việc công bố những kết quả chính của chương trình, những cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện một lộ trình cải cách với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ là tín hiệu giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Điều này được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao.


Hạ thấp mục tiêu tăng trưởng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô - ảnh 3


Ông Rajat Nag, Tổng giám đốc điều hành ADB khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng: Chúng tôi vẫn hết sức tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần tiếp tục quá trình cải cách mạnh mẽ. Việt Nam cần nỗ lực thực thi các chính sách đã đề ra, tăng cường quản trị nhà nước tốt hơn, tái cấu trúc các doanh nghiệp và nền kinh tế để Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Mặc dù đang đứng trước những khó khăn hiện tại, nhưng một số những tín hiệu tích cực mà Việt Nam đạt được thời gian qua như xu hướng đi lên rõ rệt của năng suất lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực, với GDP bình quân trên đầu người không ngừng tăng, lợi thế trong xuất khẩu, lạm phát được kiểm soát…, cùng với việc kiên định thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã đề ra, các chuyên gia nhận định mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới./. 

Phản hồi

Các tin/bài khác