(VOV5) - Việc đồng rúp liên tục mất giá những tuần qua và nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái là những hệ quả trực tiếp của các biện pháp trừng phạt tài chính mà phương Tây áp đặt lên Nga. Những ảnh hưởng khi đồng rúp mất giá tới nước Nga là điều đã rõ, tuy nhiên, những vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là sự suy thoái của nền kinh tế Nga sẽ kéo theo những hậu quả gì cho tình hình kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
|
Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, lạm phát của Nga vượt quá 10 % do tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây và đồng rúp tụt giá thê thảm. Ảnh: nld.com.vn
|
Trước năm 2014, nền kinh tế Nga không hề có dấu hiệu cảnh báo suy giảm mà trái lại mọi chỉ số, tiêu chí đều thể hiện một nền tài chính vững mạnh. Còn sang năm 2014, kể từ tháng 6/2014, khi giá dầu giảm xuống một nửa do tác động của lệnh trừng phạt của phương tây lên Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine và do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) từ chối cắt giảm sản lượng, nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, không khỏi lao đao. Lệnh cấm vận nhập khẩu thực phẩm đã khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) những tháng cuối năm của Nga lên mức 8%. Đồng Ruble giảm giá cũng khiến cho các khoản nợ bằng USD của các doanh nghiệp, các ngân hàng trở nên nặng nề hơn. Mức lạm phát năm 2014 xấp xỉ 10% và dự báo còn tăng trong năm 2015.
Tác động ngược từ những lệnh trừng phạt
Rõ ràng các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga. Nhưng, Nga không phải là nước duy nhất phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế do đồng nội tệ mất giá. Nhiều nước trong khu vực dự báo cũng phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Trước hết, khủng hoảng kinh tế Nga gây ra tác động lan truyền đến thị trường tiền tệ ở Trung Á và Đông Âu. Thực tế là ngay khi đồng Ruble mất giá, một số quốc gia trong khu vực phải vội vàng thi hành các biện pháp can thiệp vào thị trường tài chính – tiền tệ, nhằm bảo vệ tỉ giá đồng nội tệ sau khi phải tiếp nhận luồng vốn rút đột ngột từ Nga. Hệ thống ngân hàng trong Liên minh châu Âu (EU) cũng phát đi những tín hiệu “lo lắng”, do nhiều ngân hàng tại các nước thành viên có danh mục cho vay đáng kể ở Nga. Belarus và Kazakhstan là hai nước chịu ảnh hưởng lớn, do có mối liên hệ kinh tế, chính trị với Nga. Cả 3 nước hồi đầu năm nay đã ký kết Thỏa thuận thành lập Liên minh kinh tế Á – Âu. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD), 1/2 GDP của Belarus gắn chặt với kinh tế Nga qua quan hệ thương mại, kiều hối, tài sản ngân hàng. Nga hiện là thị trường tiêu thụ 40% hàng xuất khẩu của Belarus và đó là những điểm dễ tổn thương của nền kinh tế nước này trước biến động ở Nga.
Một số nền kinh tế nhỏ hơn ở Trung Á khác phải gánh chịu nhiều hệ lụy trực tiếp. Đó đều là những nước mà nguồn thu ngoại tệ phụ thuộc phần lớn vào kiều hối từ những người lao động làm việc ở Nga. Kinh tế Nga suy giảm, sẽ có ít việc làm hơn, cộng với đà mất giá của đồng Ruble khiến dòng kiều hối từ Nga chuyển về các nước này ít đi.
Những nước khác như Armenia, Uzbekistan, Gruzia, Moldova, cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.
Các nền kinh tế EU cũng không phải là ngoại lệ, do EU là đối tác thương mại, nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga. Khi danh sách đen của EU liệt kê ngày càng dài các công ty Nga bị trừng phạt thì kinh tế Châu Âu cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Tính riêng 1 tháng sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, xuất khẩu EU sang Nga đã giảm ngay lập tức 19%, mất gần 2 tỷ USD.
Ảnh hưởng đến trật tự quản trị toàn cầu
Một trong những điểm nổi bật của trật tự toàn cầu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 là sự ra đời của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giúp ổn định chính trị và tài chính, tiền tệ toàn cầu. Trong những năm 90, Nga đã gia nhập IMF và có một ghế trong ban giám đốc. Nga cũng là một trong 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đồng thời cũng là thành viên của Nhóm G-8 (gồm 7 nước công nghiệp phát triển và Nga), thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20). Nhưng G-8 đã đình chỉ Nga và nước này cũng bị G-20 hạ cấp xuống quy chế “Quan sát viên” tại Hội nghị Thượng đỉnh mới đây diễn ra ở Australia.Trật tự thế giới đang thay đổi và Nga đang dần mất vị trí. Đó là những hệ lụy nhãn tiền từ những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan từ khủng hoảng tại Ukraine.
Nguyên nhân chính cho căng thẳng hiện nay là cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được giải quyết, trong khi những biện pháp trừng phạt do các bên đưa ra không chỉ làm tổn hại đến nền kinh tế Nga, mà còn ảnh hưởng đến chính các nước Liên minh châu Âu và cả nền kinh thế giới cũng phải chịu tác động. Cho đến nay, nhiều quốc gia châu Âu dường như đã bắt đầu thấy rõ tác động phụ với lệnh trừng phạt bởi mối liên kết hợp tác kinh tế, thương mại đan xen phụ thuộc lẫn nhau. Thực tế đã cho thấy các lệnh trừng phạt đem lại những hệ lụy xấu, có thể kéo lùi những nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu./.