(VOV5) - Với quyết định này, tiến trình hòa bình mỏng manh tại khu vực có thể bị phá hủy hoàn toàn và dẫn đến những cuộc xung đột, tranh chấp, bất ổn mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đi một “nước cờ” mà theo đánh giá của các nhà phân tích là vô cùng mạo hiểm khi chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái Israel và Mỹ có thể sẽ chuyển cơ quan đại diện ngoại giao về thành phố này. Nhiều thập kỷ nay, Jerusalem là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong cuộc xung đột kéo dài giữa Palestine và Israel. Và với quyết định này, tiến trình hòa bình mỏng manh tại khu vực có thể bị phá hủy hoàn toàn và dẫn đến những cuộc xung đột, tranh chấp, bất ổn mới.
Toàn cảnh khu thành cổ Jerusalem. - Nguồn: AFP/ TTXVN |
“Tôi xác định rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các đời tổng thống trước đưa ra lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhưng không thực hiện. Hôm nay, tôi biến điều này thành hiện thực". Tuyên bố này được ông chủ Nhà Trắng đưa ra ngày 6/12 và lập tức dậy sóng trong cộng đồng quốc tế.
Nhiều quốc gia đều lên tiếng cảnh báo các động thái đơn phương của Mỹ liên quan đến Jerusalem là hành động “nguy hiểm” và sẽ hủy hoại nỗ lực hòa bình do Mỹ dẫn đầu và kéo theo bất ổn ở Trung Đông.
Jerusalem, vấn đề tồn tại dai dẳng nhiều năm trong đời sống chính trị - an ninh quốc tế
Để hiểu rõ tại sao tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng lại gây bão dư luận và vì sao Jerusalem lại là vấn đề nhạy cảm trước bất cứ một quyết định nào, chúng ta cùng quay ngược về lịch sử để tìm hiểu.
Hơn 60 năm qua, giải pháp hai nhà nước là sáng kiến đầu tiên của quốc tế để giải quyết cuộc tranh chấp Israel – Palestine trên lãnh thổ của người Palestine. Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết số 181 phân chia Palestine thành 2 quốc gia của người Do Thái và người Palestine. Vài tháng sau đó, công pháp quốc tế đã cho phép Israel tuyên bố thành lập nhà nước của người Do Thái và dành cho Israel tư cách 1 quốc gia, với quyền thành viên đầy đủ tại các tổ chức quốc tế, mà đứng đầu là Liên hợp quốc.
Cảnh sát Israel gác tại thành cổ Jerusalem. - Nguồn: EPA/TTXVN |
Trong khi đó, người Palestine vẫn phải tìm kiếm nhà nước của mình suốt từ đó tới nay. Trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, 87% phần diện tích lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng trong đó có khu vực Đông Jerusalem và kể từ đó Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt của mình. Trong khi đó, phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem phải là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Nhiều chục năm qua, vấn đề lãnh thổ cho người Palestine và hòa bình cho cả khu vực luôn đi kèm với nhau và tốn không ít công sức của cộng đồng quốc tế. Tiến trình đàm phán Palestine – Israel nhiều lúc bị đẩy vào ngõ cụt và đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất ổn và xung đột liên miên tại khu vực. Trong vài năm trở lại đây, nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có vai trò trung gian hòa giải của Mỹ, các vòng đàm phán tìm kiếm hòa bình ở khu vực này ít nhiều có những tiến triển. Đó là các bên nhất trí cho rằng giải pháp hai nhà nước có chủ quyền và dân chủ, chung sống trong hòa bình, dựa trên các đường biên giới đã hoạch định năm 1967, là cách duy nhất để đặt nền móng cho nền hòa bình lâu dài ở khu vực.
Danh sách các quốc gia công nhận Nhà nước Palestine ngày càng được nối dài cũng đem đến những tín hiệu đáng mừng cho một vấn đề tồn tại dai dẳng nhiều năm trong đời sống chính trị - an ninh quốc tế. Mới đây nhất, ngày 30/11 vừa qua, 151 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết phản đối Israel chiếm đóng thành phố Jerusalem.
Nguy cơ xung đột bùng phát
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn thành phố, cho rằng tình trạng của Jerusalem phải được giải quyết qua các cuộc đàm phán, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển đại sứ quán đến Jerusalem không khác nào mồi lửa châm ngòi, thổi bùng xung đột và những căng thẳng vốn có tại Trung Đông.
Jerusalem là vùng đất linh thiêng có ý nghĩa quan trọng với cả người Do Thái, người Cơ Đốc và người Hồi giáo. Không chỉ phức tạp về lịch sử và chính trị, vấn đề Jerusalem được cho là còn hết sức rắc rối khi động đến cả vấn đề chủng tộc, tôn giáo và an ninh. Quyết định của Tổng thống Mỹ đang đi ngược lại những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, có thể làm chệch hướng các cuộc hòa đàm Trung Đông khi từ bỏ trách nhiệm trung gian hòa bình.
Nguy hiểm hơn, quyết định của ông Trump có thể là kẽ hở để những kẻ khủng bố khơi gợi sự thù hằn và reo rắc tâm lý phản kháng vào đầu người dân trong khu vực, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn mới.