Hiệu quả hoạt động đối ngoại năm 2012

(VOV5) - Năm 2012 đã đi qua. Nhìn lại chặng đường một năm đầy biến động có thể thấy các hoạt động đối ngoại đã được Việt Nam triển khai sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 1, đem lại những kết quả cụ thể. Công tác đối ngoại năm 2012 không chỉ góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước, tranh thủ nguồn lực cho công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa, mà còn hỗ trợ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Hiệu quả hoạt động đối ngoại  năm 2012  - ảnh 1
Ảnh: VGP/Thành Chung

Trong năm qua, các hoạt động ngoại giao song phương diễn ra hết sức sôi động. Các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao với các nước láng giềng, khu vực, đối tác lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng đã làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước này. Ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ ngoại giao Việt Nam, cho rằng: Có hai đặc điểm lớn thấy rõ. Thứ nhất là số lượng đoàn vào Việt Nam tăng, thậm chí tăng gấp bốn - năm lần so với năm 2011. Đặc điểm thứ hai là thể hiện ở chất lượng, nhiều nước muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, mong muốn đưa quan hệ đi vào chiều sâu, làm sâu sắc hơn, ví dụ như các nước trong Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, các nước châu Âu như Italia. 2 đặc điểm đó thể hiện rằng vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế đã tăng lên, chứng tỏ họ coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Với các nước láng giềng truyền thống như Lào và Campuchia, năm qua là một năm đầy ắp các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt-Lào và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm tình cảm, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN cũng như các đối tác chiến lược chủ chốt như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU...tiếp tục được tăng cường.

Các hoạt động ngoại giao sôi động đó trong năm 2013 đã đóng góp cho những thành tựu chung của đất nước. Kim ngạch  thương mại giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng đều tăng. Khoảng 6,8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay, tăng khoảng 14% so với năm 2011. Các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục khẳng định dành ưu tiên ODA cho Việt Nam với con số gần 6,5 tỷ USD cam kết cho năm 2013. LB Nga đã chính thức đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 đối tác chiến lược quan trọng nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và đáng chú ý năm qua, FDI của Nhật vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục phát triển thực chất trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác nhân đạo trong vấn đề nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Việt Nam và EU cũng chính thức ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Đến nay, đã có 34 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có các nước phát triển như Nhật Bản, Italia... Đặc biệt, ngoại giao đã phát huy thế mạnh của mình, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Việt Nam đã kiên trì đường lối ngoại giao nhất quán là giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này vừa tạo mối liên kết, hữu nghị với các nước trong khu vực, đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông Lê Hoài Trung cho biết:Tại các diễn đàn, Việt Nam luôn nêu rõ quan điểm, những nỗ lực của mình trong việc cùng các nước thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp, phân định ranh giới biển, phân định những chồng lấn. Qua đó thể hiện chính sách của Việt Nam là rất thiện chí và nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế, công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc, thực hiện những thỏa thuận đã đạt được với ASEAN trong vấn đề hợp tác cũng như giải quyết những tranh chấp trên biển.

Trong năm 2012, hoạt động đối ngoại nhân dân cũng diễn ra sôi động với hàng loạt các cuộc giao lưu, tiếp xúc, thăm hỏi… giúp tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại này, bức tranh về tự do, tôn giáo, nhân quyền của Việt Nam đến được với cộng đồng quốc tế nhiều hơn. Ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ ngoại giao, cho biết thêm: Chúng ta đã chủ động kết hợp cả hợp tác và đấu tranh, cái nào chưa đúng thì nói cho đúng, không né tránh, đồng thời tăng cường đối thoại, thu hẹp những khác biệt quan điểm, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau hơn và quan trọng là không để ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng.

Những thành tựu của đối ngoại 2012 là cơ sở quan trọng để Việt Nam tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện thành công những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 và những năm tiếp theo là tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa ngoại giao song phương trên cơ sở xác định rõ các ưu tiên về khu vực, đối tác, lĩnh vực, biện pháp. Trên bình diện ngoại giao đa phương, Việt Nam tăng cường đóng góp thực chất, đặc biệt những sáng kiến giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực theo phương châm “là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", tạo vị thế vững chắc hơn trên trường quốc tế./.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác