(VOV5) - Ngày 14/5, Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem chính thức khai trương, bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới.
Diễn biến này được cho là “đổ dầu vào lửa”, khiến tình hình ở Trung Đông vốn đã phức tạp nay lại càng trở nên khó nắm bắt hơn bao giờ hết.
Việc Mỹ chính thức mở đại sứ quán mới ở Jerusalem là bước đi nhằm cụ thể hóa quyết định của Tổng thống Donald Trump hồi cuối năm 2017, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khẳng định sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố Jerusalem. Động thái của Washington thời điểm đó đã gây phẫn nộ ngay cả với chính những đồng minh Arab của Washington và làm dấy lên phản ứng dữ dội từ người Palestine vốn luôn mong muốn phần phía đông Jerusalem sẽ trở thành thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai.
Biển báo "Đại sứ quán Mỹ" được dựng tại Jerusalem ngày 7/5. - Ảnh: THX/TTXVN |
Và lần này cũng vậy. Làn sóng phản đối sự hiện diện của đại sứ quán Mỹ tại vùng đất thánh Jerusalem đang ngày một dâng cao và nguy hiểm hơn, nó đang là cái cớ để đẩy mâu thuẫn vốn âm ỉ ở Trung Đông nhiều thập kỷ qua bùng phát, không thể kiểm soát.
Máu tiếp tục đổ ở dải Gaza
Ngày 14/5 trở thành ngày đẫm máu nhất trong lịch sử cuộc xung đột giữa Palestine và Israel kể từ sau cuộc chiến Dải Gaza năm 2014. Ít nhất đã có 55 người Palestine, trong đó có 6 trẻ em dưới 18 tuổi, thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người biểu tình Palestine tại dải Gaza. Như vậy, kể từ khi diễn ra cuộc biểu tình phản đối Mỹ và Israel và đòi quyền trở về của người Palestine ở Gaza hồi cuối tháng 3 tới nay đã có hơn 100 người Palestine thiệt mạng. Đáng chú ý, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trong ngày hôm nay (15/5) trong các vùng lãnh thổ Palestine để phản đối Mỹ, Israel và lên án vụ thảm sát của lực lượng Israel.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố để 3 ngày quốc tang các nạn nhân tử vong trong các cuộc biểu tình ngày hôm qua, đồng thời nhấn mạnh nhân dân Palestine sẽ không dừng cuộc đấu tranh của họ và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem. Tổng thống Abbas kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động chống lại “những vụ thảm sát nhằm vào người dân ôn hòa” của Palestine.
Con gái Tổng thống Mỹ Ivanka Trump tại lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. - Ảnh: Reuters |
Nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối động thái chuyển đại sứ quán của Mỹ tại Jerusalem và kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình. Nhiều quốc gia có quan hệ ngoại giao với Israel đã từ chối tham dự sự kiện khai trương đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem và kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Israel. Tổng thư ký Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat lên án việc Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem là bất hợp pháp, chôn vùi các tiến trình hòa bình và sự lựa chọn của một giải pháp hai nhà nước, đồng thời đẩy các dân tộc ở khu vực vào bạo lực, hỗn loạn và đổ máu. Trong khi đó, Phong trào Hamas và các lực lượng vũ trang ở Gaza cho rằng rằng không thể kiên nhẫn lâu dài với hành vi phạm tội này. Jerusalem là mảnh đất thiêng liêng và việc Đại sứ quán Mỹ đặt tại Jerusalem cùng sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là một cuộc tấn công vào các quyền của nhân dân Palestine. Liên đoàn Arab lên án Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem, cho rằng đây là việc làm đáng xấu hổ khi chiếm Jerusalem, vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Liên đoàn này đã quyết định tổ chức một cuộc họp bất thường vào ngày mai (16/4) ở cấp đại diện thường trực để thảo luận về quyết định "bất hợp pháp" chuyển sứ quán Mỹ đến Jerusalem.
Hòa bình ở Trung Đông vẫn ngoài tầm với
Jerusalem được xem là vùng đất thánh và là điểm nóng xung đột dai dẳng ở Trung Đông. Nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế đã được triển khai nhằm đem lại giải pháp hòa bình cho vấn đề này song đều thất bại. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, còn người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.
Nếu như Israel luôn nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ thì Palestine lại nhận được sự ủng hộ của thế giới Arab và Hồi giáo. Và ngày càng nhiều nước trên thế giới ủng hộ tiến trình hòa bình ở khu vực này bằng việc thành lập hai nhà nước cùng tồn tại. Hiện các nước đặt đại sứ quán tại thành phố Tel Aviv, thủ phủ thương mại của Israel. Kể từ khi Israel được thành lập năm 1948, Mỹ luôn đặt đại sứ quán ở Tel Aviv. 86 quốc gia có quan hệ với Israel cũng đều đặt đại sứ quán tại Tel Aviv. Nhưng nay, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực hiện nay, việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” và đó thực sự là một thông điệp rất nguy hiểm cho tương lai khu vực này.