(VOV5) - Cuộc hòa đàm Israel-Palestin vừa kết thúc tại thủ đô Washington, Mỹ sau 2 ngày làm việc. Dẫu còn nhiều chông gai trên con đường tìm kiếm giải pháp 2 nhà nước cùng tồn tại chung sống hòa bình, nhưng cuộc hòa đàm lần này đã phần nào thắp lên hy vọng cho người dân Israel, Palestin và cả cộng đồng quốc tế về một nền hòa bình thực sự ở Trung Đông.
|
Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Ngay sau khi kết thúc đàm phán, với sự có mặt của 2 trưởng đoàn đàm phán, Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni và nhà thương lượng kỳ cựu Palestine Saeb Erakat, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo cuộc hội đàm đã đạt được kết quả tích cực trong bầu không khí thẳng thắn và xây dựng. Hai bên đã nhất trí đàm phán về mọi vấn đề liên quan đến hiệp định hòa bình và các vấn đề cơ bản khác. Cụ thể, trong vòng 2 tuần tới, Israel hoặc Palestine nhất trí gặp nhau để bắt đầu đàm phán chính thức, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực đạt đến hiệp định hòa bình toàn diện trong vòng 9 tháng nữa.
Mặc dù 2 ngày gặp gỡ chỉ là bước khởi đầu phác thảo về một kế hoạch cho các vòng đàm phán rộng hơn tiếp theo, nhưng theo các nhà phân tích, có nhiều dấu hiệu để lạc quan về tiến triển hòa bình ở khu vực. Trước hết, ngay trước vòng đàm phán, cả Israel và Palestin đều có những bước đi thiện chí thể hiện mong muốn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội hòa bình. Song song với tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Israel Benjamin Netanyahu rằng việc nối lại đàm phán với Palestine là lợi ích "sống còn" của Israel, chính quyền Tel Aviv cũng chấp thuận phóng thích hơn 100 tù nhân Palestine. Israel cũng ngỏ ý sẽ không cấp phép để xây dựng các khu định cư của người Do Thái tại lãnh thổ Bờ Tây của người Palestine, một trong những động thái hủy hoại lòng tin giữa hai bên. Đổi lại, phía Palestine sẽ không theo đuổi các hành động ngoại giao chống lại Israel tại bất kỳ tổ chức quốc tế nào nhằm đáp ứng quan ngại của Tel Aviv. Cùng với đó Palestin cũng giảm bớt những yêu cầu điều kiện tiên quyết về ngừng xây dựng khu định cư cũng như việc Israel phải chấp nhận các giới tuyến trước năm 1967 làm cơ sở đàm phán đường biên giới. Dấu hiệu thứ hai để dư luận lạc quan là không giống như năm 2010, thời điểm cuộc đàm phán cuối cùng giữa Israel-Palestin sụp đổ, đàm phán lần này có một giai đoạn khá dài cho các bên thương lượng. Ba năm trước, ông Mahmoud Abbas chỉ quay lại bàn đàm phán vào sát nút thời hạn 10 tháng của ông B.Netanyahu về tạm ngừng xây dựng khu định cư. Các cuộc đàm phán khi đó cũng kết thúc chóng vánh. Giờ đây, các bên cam kết dành 9 tháng cho đàm phán, đủ thời gian cho nỗ lực của các bên đi đến thỏa hiệp một hiệp định hòa bình. Thêm vào đó là hai bên cam kết thảo luận nghiêm túc tất cả các vấn đề cốt lõi, gai góc, một động thái chưa hề có trước đây. Cuối cùng, không thể không nhấn mạnh đến vai trò trung gian của Mỹ. Các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động trong nhiều thập niên qua. Đối thoại đã gần như sụp đổ từ tháng 9 năm 2010 khi Israel từ chối ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của người Palestine. Vì vậy, vòng đối thoại mới với những kết quả tích cực đã mang đến niềm hy vọng hòa bình được khát khao tại Trung Đông. Có được thành công khó khăn này phải nhấn mạnh đến nỗ lực không mệt mỏi của Ngoại trưởng J.Kerry. Trong lần thứ sáu trở lại "vùng đất nóng" trong 5 tháng qua (kể từ khi nhậm chức tháng 2-2013), ông J.Kerry đã có lịch trình dày đặc. Các cuộc tiếp xúc liên tiếp với các quan chức của cả hai bên đã đưa đến một thỏa thuận được đợi chờ. Với những ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực, đặc biệt với đồng minh thân cận Israel, có nhiều lý do để tin rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ không dừng lại ở việc làm sống lại một thỏa thuận dường như đã chết mà sẽ có nhiều nỗ lực hơn để ổn định vùng đất gắn liền với lợi ích của nước Mỹ, trong đó, hòa bình giữa Israel và Palestine là vấn đề then chốt.
Thế nhưng, dư luận cho rằng, chuyển biến lịch sử vừa đạt được chưa phải là đích đến cuối cùng để có hòa bình và các bên vẫn cần có thêm nhiều nỗ lực nữa. Còn rất nhiều thách thức cần vượt qua ở phía trước. Đó không chỉ là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Palestine giữa nhóm Hamas đang quản lý Dải Gaza và chính quyền tại Bờ Tây, mà còn là những lo ngại về toan tính lợi ích riêng của các bên khi nối lại hòa đàm. Vì thế, để đi đến những kết quả cụ thể và có thể chấp nhận được cho cả hai bên để cùng tiến tới nền hòa bình lâu dài hay không vẫn còn để ngỏ. Dẫu vậy, dư luận vẫn kỳ vọng vào những thành công của tiến trình hòa bình vừa được nối lại dưới sự trung gian của Mỹ. Sau nhiều năm chìm trong bóng tối, cơ hội cho nền hòa bình vĩnh viễn tại Trung Đông đã có những tia sáng hy vọng./.