Hoài nghi về hiệu quả của gói cứu trợ 125 tỷ USD cho Tây Ban Nha

(VOV5) - Cuối tuần qua, các Bộ trưởng tài chính trong nhóm nước sử dụng đồng euro đã chấp thuận cho Tây Ban Nha vay 125 tỷ USD để vực dậy ngành ngân hàng nước này, trong bối cảnh Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) và Cơ chế Bình ổn Châu Âu (ESM) không hề dư dả. Như vậy, Tây Ban Nha là nước thứ 4 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần đến sự cứu trợ tài chính của châu Âu, sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Đây được coi là một nỗ lực lớn của Eurozone nhằm giữ được sự ổn định kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa thực sự yên tâm về hiệu quả lâu dài của biện pháp cứu trợ này.

Tây Ban Nha được biết đến là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 của Eurozone. Tuy nhiên, những dấu hiệu xấu về kinh tế của quốc gia này được cảnh báo liên tục từ nhiều tháng trước đây. Theo công bố hồi tháng 4 của Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha đã giảm 0,3% trong quý I/2012, khiến nền kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp. Tây Ban Nha cũng là quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp cao, lên tới 5,6 triệu người/46 triệu dân. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên nữa trong những tháng tới. Trong bối cảnh đó, chính phủ Tây Ban Nha dự đoán trong năm nay, nền kinh tế nước này sẽ giảm khoảng 1,7%, và chỉ có thể tăng nhẹ 0,2% vào năm 2013. Đó là chưa kể đến tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Tây Ban Nha lên tới 8,9% trong năm 2011, nợ chính phủ/GDP là 70%, tổng các khoản nợ nước ngoài chiếm tới 90% GDP và đã cán mốc 1.000 tỷ euro, gần bằng mức của Hy Lạp, quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất thế giới. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Tây Ban Nha là 8,37%, gần 150 tỷ euro, cao nhất trong vòng 17 năm qua. Thậm chí, các chuyên gia nhận định kinh tế Tây Ban Nha sẽ còn tiếp tục xuống dốc không phanh trong tương lai nếu tình hình tài chính không có dấu hiệu cải thiện.

Rõ ràng nền kinh tế lớn thứ 4 trong Eurozone sa vào vòng xoáy suy thoái ngày càng trầm trọng. Do vậy, nếu không được giải cứu kịp thời thì việc sụp đổ của các ngân hàng Tây Ban Nha là không tránh khỏi và sẽ để lại những hậu quả khôn lường đối với châu Âu, rộng hơn là ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế thế giới.


Trong bối cảnh trên, việc Tây Ban Nha quyết định xin châu Âu hỗ trợ tài chính và được chấp thuận đã giúp cho nhiều quốc gia thở phào nhẹ nhõm. Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng thoả thuận cho Tây Ban Nha vay tiền nói lên sự đoàn kết của châu Âu. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Jun Azumi đánh giá việc hỗ trợ kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng Tây Ban Nha là một đóng góp rất lớn để đạt được sự ổn định kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận việc Tây Ban Nha gia nhập nhóm các nước nhận cứu trợ là bước đi quan trọng để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa quyết định cứu trợ Tây Ban Nha là giải pháp tối ưu trong thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng 125 tỷ USD chỉ có tác dụng ngăn chặn sự đóng băng của hệ thống tài chính châu Âu trong ngắn hạn, thậm chí quyết định này chưa nhận được sự phản ứng tích cực từ thị trường thế giới. Các nhà đầu tư ngày 11/6 đã đua nhau bán tài sản, làm cho các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ mất giá khá mạnh. Số liệu từ sàn giao dịch New York cuối ngày 11/6, cho thấy nhóm chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn lớn giảm 143 điểm, tương đương 1,1%, xuống còn 12.411 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq và chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn mất giá mạnh hơn, lần lượt là 1,7% và 1,3%. Trong khi đó, giá dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua, do tâm lý lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 đã giảm 1,40 USD, xuống còn 82,70 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu giảm xuống dưới 83 USD/thùng kể từ tháng 10 năm ngoái. Tại Luân Đôn, giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng tháng cũng giảm 1,47 USD, xuống còn 98,00 USD/thùng.

Khoản cứu trợ 125 tỷ USD của Eurozone dành cho Tây Ban Nha, quốc gia chiếm 12% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của toàn khu vực, mới chỉ để bổ sung lượng vốn cần thiết cho các ngân hàng Tây Ban Nha. Còn tác động của nó tới việc giải quyết khủng hoảng nợ ở châu Âu xem ra vẫn còn mơ hồ. Do vậy, hơn lúc nào hết, việc tìm ra phương án tổng thể để giải quyết bài toán nợ công ở châu Âu vẫn cấp thiết./.

Phản hồi

Các tin/bài khác