Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10: Thúc đẩy đối thoại vì sự phát triển bền vững
Ánh Huyền -  
(VOV5) - Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM-10) khai mạc hôm nay, 16/10, tại thành phố Milan, Italy. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị tiếp tục đóng góp vào các nội dung quan trọng của Hội nghị, phối hợp trong các vấn đề phát triển, an ninh, tăng cường hợp tác song phương với các nước thành viên nhằm nâng tầm quan hệ đối tác.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM 9 tại Lào năm 2012 (Ảnh: TTXVN) |
Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) thành lập năm 1996 theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN. ASEM chiếm khoảng 63% dân số thế giới, 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu. ASEM hiện có 53 thành viên và sự mở rộng, lớn mạnh không ngừng của ASEM đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho diễn đàn lớn thứ 2 thế giới này, sau Đại hội đồng Liên hợp quốc và là cơ chế liên khu vực lớn nhất thế giới hiện nay.
Đối phó với thách thức chung toàn cầu
Tăng cường hợp tác, đối thoại, nhằm tìm ra giải pháp duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu là trọng tâm tại Hội nghị lần này. ASEM-10 có chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”, tập trung thảo luận 4 nội dung chính gồm: Các vấn đề kinh tế - tài chính và kết nối Á-Âu; Các vấn đề toàn cầu; Các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; Định hướng tương lai ASEM.
Thực tế, sự tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua đã giúp cho hàng trăm triệu người ở cả hai châu lục thoát khỏi đói nghèo. Nhiều quốc gia đạt được mức thu nhập trung bình, một số quốc gia đã trở thành nước công nghiệp phát triển. Nhưng, hành tinh lại đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước đều bị đe dọa. Chính vì vậy, cùng nhau hành động để vượt qua thách thức, tăng trưởng bền vững là mục tiêu mà ASEM đang hướng tới. Điều này đã được Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định tại một hội nghị trong khuôn khổ hợp tác ASEM tổ chức tại Việt Nam gần đây: "Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu sắc hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng cao. Không một quốc gia, một chính phủ nào có thể hành động một mình để ứng phó với các thách thức. Là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng, với tiềm lực khoa học công nghệ dồi dào, ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm để góp phần đưa hai châu lục trở thành động lực phát triển bền vững của thế giới".
Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác trong ASEM
Qua 18 năm tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm. Là một trong số những thành viên sáng lập của ASEM, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho diễn đàn. Đến nay, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến tăng cường hợp tác ASEM trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng. Đặc biệt, Việt Nam là nước đi đầu trong ASEM thúc đẩy tăng trưởng xanh, tích cực triển khai các sáng kiến xây dựng nền kinh tế xanh phù hợp với mục tiêu của Liên hợp quốc. Thực tế tham gia hợp tác trong ASEM, Việt Nam tranh thủ được rất nhiều kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ của các thành viên ASEM trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, gìn giữ, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam từ nay đến năm 2020, là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường. Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: "Đối với Việt Nam, xuất phát từ một nước có trình độ kinh tế còn khó khăn nên vấn đề khó khăn hàng đầu hiện nay là vấn đề công nghệ, vốn đầu tư. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển, Việt Nam cần xác định lộ trình, những lĩnh vực ưu tiên, khi đầu tư theo hướng kinh tế xanh, công nghệ xanh và năng lượng sạch để mang lại hiệu quả đa mục tiêu".
Tham dự ASEM 10 tại Italy lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong ba nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu dẫn đề tại phiên họp toàn thể về các vấn đề toàn cầu, tiếp tục đóng góp các đề xuất, sáng kiến đang là mối quan tâm chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong ba nhà lãnh đạo cấp cao Châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu đến từ hai châu lục Á-Âu trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14. Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có các cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương với nhiều Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ các quốc gia. Các cuộc tiếp xúc này chắc chắn sẽ thắt chặt thêm sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực với các đối tác quan trọng ở hai châu lục./.
Ánh Huyền