(VOV5) - Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9 (ASEM 9) diễn ra tại thủ đô Vientiane (Lào) là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, thu hút sự theo dõi của cả cộng đồng quốc tế. Diễn ra giữa lúc cả hai châu lục và thế giới đang có những khó khăn thách thức và cả thuận lợi đan xen, nhất là sự phục hồi kinh tế thế giới còn chậm, ảnh hưởng của biến đối khí hậu, an ninh lương thực, xung đột tôn giáo ngày càng nặng nề. Vì vậy, trọng tâm tại Hội nghị là tăng cường hợp tác, đối thoại, nhằm tìm ra giải pháp duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Trong bối cảnh khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn chưa lắng dịu, việc hai châu lục xích lại gần nhau trong mục tiêu chung đã và đang là tín hiệu tích cực cho bức tranh kinh tế vẫn nhuốm màu xám bấy lâu nay. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên diễn đàn này tập trung xoáy vào chủ đề kinh tế trong hợp tác. Còn nhớ, tại hội nghị ASEM ở Brussels (Bỉ) năm 2010, vấn đề này cũng đã được tập trung thảo luận như về cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, khi hiện nay cuộc khủng hoảng ở Eurozone đang ngày càng trầm trọng bất chấp các nỗ lực ở quốc gia ở "Lục địa già này" vẫn không cải thiện được tình hình thì sự hợp tác hiện nay lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, sự có mặt đông đảo của giới lãnh đạo Châu Âu tại Hội nghị lần này đã khẳng định 1 điều: ASEM là diễn đàn quan trọng để tìm kiếm cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công cũng như đối phó với những thách thức toàn cầu hiện nay. Lý giải cho sự có mặt đầy ấn tượng này của các nguyên thủ quốc gia Châu Âu, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới cho rằng đó là niềm lạc quan về triển vọng của châu Á. Sự tăng trưởng của châu Á có thể đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế thế giới, là thời cơ vàng để hai châu lục trao đổi nhiều biện pháp quan trọng tháo gỡ những bế tắc của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, giúp kinh tế thế giới phát triển cân bằng và bền vững hơn. Trước thềm hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nhấn mạnh châu Âu tin tưởng châu Á mỗi ngày đều trở nên quan trọng hơn về mặt phát triển kinh tế. Còn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittiratt Na-Ranong đưa ra nhận xét, với những khó khăn kinh tế tiếp diễn ở một số quốc gia Eurozone, sự hợp tác Á-Âu đang mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), khu vực Đông Nam Á (ASEAB) mặc dù phục hồi kinh tế khiêm tốn, nhưng vẫn có đà tăng trưởng tốt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. OECD không dự báo tăng trưởng GDP của ASEAN, nhưng giới chức Singapore dự báo kinh tế nước này năm nay tăng trưởng tới 15%, trong khi Indonesia dự báo tăng trưởng 6% và Malaysia dự báo tăng trưởng hơn 6%. GDP Trung Quốc có thể chỉ tăng 7,8% và Ấn Độ là 6% trong năm tài chính 2012, theo dự báo mới nhất của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch. Bởi vậy, sự hợp tác, liên kết giữa hai châu lục này đã và đang trở nên quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.
|
Hội nghị cấp cao ASEM 9 tổ chức tại thủ đô Vientiane, CHDCND Lào |
Thực tế những gì diễn ra tại Hội nghị lần này đã khẳng định quyết tâm của các nhà lãnh đạo là tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai châu lục. Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao, Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 13 (AEBF 13) đã kết thúc tốt đẹp và đưa một loạt kiến nghị để trình lên ASEM 9, trong đó có các thông điệp là cần có một môi trường ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế, dỡ bỏ những trở ngại đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư; các chính phủ ASEM cần ủng hộ sự cạnh tranh của các công ty bằng việc dỡ bỏ các nguyên tắc phân biệt đối xử, tuân thủ các nguyên tắc chung đã được thoả thuận; cạnh tranh lành mạnh và một môi trường pháp lý ổn định là điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Hy vọng cũng đã mở ra cho sự hợp tác khi tại phiên họp kín đầu tiên về “Các vấn đề kinh tế-tài chính”, các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu đều khẳng định quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa hai châu lục nhanh, bền vững, cân bằng và đồng đều, chú trọng hợp tác tài chính, tăng cường kết nối, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giải quyết vấn đề việc làm, khôi phục lòng tin của thị trường, tăng cường minh bạch và cải cách hệ thống tài chính. Các nhà lãnh đạo của hai châu lục cũng nhất trí tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực cải cách quản trị kinh tế toàn cầu và các định chế tài chính quốc tế, nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới theo hướng nâng cao tiếng nói và vai trò của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đồng thời ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và kết thúc thành công Vòng đàm phán Doha.
Một trong những dấu ấn quan trọng nữa của ASEM 9 là việc chính thức mở rộng thành viên lần thứ tư của ASEM với việc kết nạp thêm 3 thành viên mới, nâng số lượng thành viên của ASEM từ 48 lên 51. Sự lớn mạnh của ASEM đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho diễn đàn lớn thứ 2 thế giới này, sau Đại hội đồng Liên hợp quốc và là cơ chế liên khu vực lớn nhất thế giới hiện nay. Tính đến nay, ASEM chiếm tới 60% dân số, 60% thương mại và 50% GDP toàn cầu. Hy vọng từ những diễn biến tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM 9 lần này, những cơ hội mới hợp tác mới sẽ mở ra. Những cái bắt tay của các quốc gia hai bên bờ đại dương sẽ góp phần giải quyết khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vì sự, ổn định thịnh vượng chung./.