Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (Hội nghị COP-17) đầu tuần qua đã khai mạc tại thành phố biển Durban, Nam Phi, và tiếp tục kéo dài đến hết tuần này. Cùng với khoảng 15.000 đoàn đại biểu của 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP-17 tiếp tục khẳng định quyết tâm cùng hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng là dịp để VN giới thiệu, đề xuất chính sách của mình liên quan đến biến đổi khí hậu, ở cả cấp độ song phương và đa phương
Hội nghị COP-17 lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái. Các nước, đặc biệt là các nước lớn đều đang phải tập trung vào các vấn đề kinh tế của mình, mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước, nhóm nước phát triển và đang phát triển tác động sâu sắc đến các cuộc đàm phán tại Durban. Với vai trò, vị trí của một thành viên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cũng như với trách nhiệm của một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam tham gia Hội nghị lần này với tinh thần tích cực, đóng góp vào các vấn đề chung. Việt Nam đã thảo luận và thông qua nhiều vấn đề cơ bản và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, tiếp tục thể hiện tiếng nói của nhóm các nước đang phát triển, đóng góp quan điểm vào việc xây dựng và hoàn thiện nội dung các văn kiện liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của Công ước về biến đổi khí hậu cũng như Nghị định thư Kyoto. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó cục trưởng Cục khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ tài nguyên môi trường cho biết: “Quan điểm của đoàn VN tại hội nghị này là chúng ta tái khẳng định Nghị định thư Kyoto vẫn phải được tiếp tục duy trì và là cơ sở, nền tảng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Phải mất 8 năm Nghị định thư Kyoto mới được cộng đồng thế giới chấp nhận và chính thức có hiệu lực, như vậy không có lý do gì tại thời điểm này Nghị định đó bị thay thế. Cho đến nay, Nghị định thư Kyoto là văn bản pháp lý duy nhất về biến đổi khí hậu. Nghị định cũng liên quan đến nhiều vấn đề như chuyển giao công nghệ, cam kết của các bên, hỗ trợ về tài chính…”
Năm vấn đề chính được Tổng thống nước chủ nhà Nam Phi đưa ra tại phiên khai mạc Hội nghị, cũng là những mối quan tâm của Việt Nam. Đó là việc xây dựng văn kiện ràng buộc pháp lý mới thay thế giai đoạn 1 của Nghị định thư Kyoto hết thời hạn vào năm 2012; xác định rõ trách nhiệm tài chính và nghĩa vụ cắt giảm khí thải của các nước phát triển và một số nước mới nổi có lượng khí thải lớn; tìm ra cơ chế phối hợp thực hiện các biện pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và đảm bảo sự gắn kết của các thỏa thuận với nguyên tắc lợi ích chung của các bên và cộng đồng quốc tế. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó cục trưởng Cục khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ tài nguyên môi trường cho biết thêm đây cũng là những nội dung mà Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà, trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị COP-17 trình bày trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị này, qua đó khẳng định quan điểm của Việt Nam: “Việc giảm phát thải khí nhà kính của các nước phát triển và đang phát triển là khác nhau. Tại hội nghị này, Việt Nam đề nghị phải phân biệt được hoạt động giảm phát thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Một bên là các nước phát triển phải có những cam kết giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc, trong khi đó các nước đang phát triển sẽ thực hiện những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mang tính chất tự nguyện và hoạt động này cần có sự hỗ trợ của các nước phát triển để làm sao các nước đang phát triển thực hiện trong bối cảnh cần tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo.”
Những thực tiễn về biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã trở nên rất rõ ràng và ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu từ năm 1994 và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto năm 2002. Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng luôn là một thành viên tích cực trong các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế, chung tay ứng phó với biến đối khí hậu vì một hành tinh xanh. Giảm nhẹ phát thải nhà kính, tiếp cận nền kinh tế xanh, chuyển đổi mô hình kinh tế ít carbon… là hướng đi của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Quan điểm của Việt Nam là sẽ cam kết đi theo con đường phát triển nền kinh tế xanh, hướng nền kinh tế theo hướng đó. Để thực hiện được, trong thời gian tới điều này không thể thực hiện được đơn lẻ ở một nước, một khu vực hay một châu lục mà cần có sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các nước. Bên cạnh đó Việt Nam cho rằng cần sớm triển khai các cơ chế đã có hiện nay như Quỹ khí hậu xanh, quỹ hỗ trợ công nghệ và đặc biệt là phải chú trọng đến công tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Đấy là những vấn đề rất quan trọng mà tại Hội nghị lần này đề cập đến.”
Hiện, Việt Nam đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2050, xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính vì vậy, có mặt tại Durban, Nam Phi năm nay, ngoài các cuộc thảo luận các vấn đề chung mang tính chiến lược và định hướng, đoàn Việt Nam còn tham gia các cuộc đàm phán song phương với nhiều nước và đối tác. Qua các cuộc tiếp xúc song phương này, Việt Nam và các đối tác tìm ra các quan điểm chung, tăng cường hợp tác và nhất là tìm kiếm sự hỗ trợ để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình kinh tế ít carbon, tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững./.
Ánh Huyền