(VOV5) - Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneve về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Sau 75 ngày thương lượng cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các nước lớn đã phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam gồm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Geneve, BTV Đài TNVN trích giới thiệu bài viết của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhan đề "Hội nghị Geneve 1954: Bài học lớn cho công tác đối ngoại Việt Nam".
Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954
Hội nghị Geneve về Đông Dương có sự tham gia của 9 đoàn đại biểu chính thức: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia và chính quyền Bảo Đại. Hiệp định Geneve được ký kết với các văn kiện chính thức gồm: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, 3 Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiệp định ghi nhận các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; giới tuyến quân sự (vĩ tuyến 17) chỉ có tính chất tạm thời không được coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ và Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956.
Lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu, nguyên tắc cao nhất
Tại Hội nghị Geneve, lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ Việt Nam tham gia một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn. Trong hoàn cảnh đó, nhận thức sâu sắc về lợi ích quốc gia, dân tộc chính là điểm tựa cho công tác đấu tranh ngoại giao, Việt Nam đã đấu tranh cho một giải pháp toàn diện, coi độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cao nhất và là mục tiêu cơ bản phải đạt được trong Hội nghị Geneve.
Kiên định mục tiêu này, Việt Nam đã đấu tranh cho cả giải pháp quân sự và chính trị. Mặt quân sự là ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Mặt chính trị là đảm bảo hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Vì vậy, ngay từ ngày Hội nghị bắt đầu, đoàn Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, đoàn Việt Nam tích cực làm việc với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Pháp, đã họp báo, gặp gỡ với hàng trăm đoàn thể nhân dân và chính giới Pháp để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của mình, tố cáo hành động hiếu chiến và âm mưu phá hoại của các lực lượng thù địch. Các hoạt động này đã góp phần buộc chính phủ Pháp phải chấp nhận phương án về một giải pháp toàn bộ đối với Việt Nam và Đông Dương. Các văn kiện Hội nghị cũng nêu rõ giới tuyến chia cắt hai miền Việt Nam là tạm thời và sau 2 năm, hai miền tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Giữ vững độc lập, tự chủ trong đối ngoại
Hội nghị Geneve được tổ chức theo sáng kiến của các nước lớn. Vì lợi ích của mình, các nước lớn tìm mọi cách áp đặt và lôi kéo Việt Nam chấp nhận một giải pháp có lợi cho họ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào hội nghị với tư cách của người chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ nên đã xác định rõ mục tiêu đàm phán. Tuy nhiên, các bước cụ thể liên quan đến phương án đàm phán, thời điểm mở đầu và kết thúc đàm phán, phân công phối hợp các lực lượng trong đàm phán.... luôn bị các nước lớn can thiệp và tác động. Những điều này ảnh hưởng lớn tới nỗ lực làm chủ tiến trình đàm phán. Vì vậy, bài học về giữ vững độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao tại Geneve năm 1954 lại càng quý giá.
Biết thắng từng bước, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế
Hiểu rõ thực lực của mình, hiểu rõ lợi ích của các nước lớn, bao gồm cả Liên Xô và Trung Quốc, và hiểu rõ bối cảnh quốc tế, Việt Nam đã quyết định ký Hiệp định Geneve với những điều khoản không phản ánh thỏa đáng thắng lợi của mình trên chiến trường. Quyết định này là một ví dụ điển hình về bài học chiến thắng từng bước của đối ngoại Việt Nam. Thắng từng bước phải được thực hiện trên cơ sở giữ vững mục tiêu cơ bản là các nước lớn phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng từng bước phải tạo nên thực lực mới, vị thế mới để hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngoài ra, việc kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là bài học không bao giờ cũ. Tại Hội nghị Geneve, nỗ lực phấn đấu vì hòa bình, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam phù hợp với nguyện vọng chung của nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp.
60 năm đã qua đi. Tình hình thế giới và khu vực cũng như vị thế của Việt Nam có rất nhiều thay đổi. Hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế và khát vọng to lớn. Tuy nhiên, những tác động phức tạp của tình hình thế giới vẫn đặt ra những thách thức không nhỏ đến an ninh và phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, các bài học từ Hội nghị Geneve vẫn còn nguyên giá trị trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.