Hội nghị Rio + 20 - cơ hội lịch sử để phát triển bền vững

(VOV5) - Ngày 20/6, Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững chính thức khai mạc tại Rio de Janeiro (Brazil) với sự tham dự của hơn 130 lãnh đạo các nước và hàng chục nghìn đại biểu là giám đốc doanh nghiệp, đại diện các tổ chức dân sự. Kéo dài 3 ngày (20 - 22/6), Hội nghị sẽ đánh giá những tiến triển mà thế giới đã đạt được để hướng tới phát triển bền vững và loại bỏ đói nghèo đồng thời cũng định hình và thông qua các khuôn khổ chính sách và chiến lược mới nhằm thiết lập các nguyên tắc phát triển bền vững và phổ quát toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt được trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hội nghị Rio + 20 - cơ hội lịch sử để phát triển bền vững - ảnh 1


Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn”, Hội nghị Rio+20 được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thế kỷ 21 khi đặt ra mục tiêu tìm kiếm sự đồng thuận về nhiều vấn đề, đặc biệt về các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, năm kết thúc tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - Moon, tại Rio +20, tầm nhìn của thế giới phải được chỉ rõ ràng về một nền kinh tế xanh bền vững để bảo vệ môi trường đồng thời gia tăng công việc thu nhập khá và xóa đói giảm nghèo. Giới phân tích cho rằng sở dĩ những vấn đề trên được đặt lên bàn nghị sự của hội nghị Rio +20 vì hiện nay thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Trong số 7 tỷ dân thì có tới 1,4 tỷ người đang sống với mức 1,25 USD/ngày hoặc ít hơn (chiếm 1/5 dân số thế giới). Gần 1 tỷ người đang bị đói mỗi ngày. Bên cạnh đó, phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng và hơn 1/3 số loài động, thực vật có thể bị tuyệt chủng nếu biến đổi khí hậu tiếp tục không được kiểm soát. Nhân loại cũng sẽ phải chịu chi phí lớn hơn nhiều trong tương lai bao gồm nghèo đói, bất ổn và một hành tinh bị suy thoái nếu không giải quyết những thách thức quan trọng hiện nay.

 Vì vậy, tại Hội nghị Rio + 20, các nước cần tìm giải pháp để thực hiện việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn trong khi tập trung vào xóa đói giảm nghèo, cùng với đó là tránh phá hủy các hệ sinh thái biển, mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải nhà kính…Ngoài ra, các nước cần quản lý rừng tốt hơn để đến năm 2030, thế giới giảm một nửa việc phá rừng, có thể tránh được khoảng 3,7 nghìn tỷ USD bồi thường thiệt hại của biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính… Các quốc gia cũng dự kiến sẽ phải thông qua các mục tiêu bắt buộc đảm bảo an ninh lương thực, khả năng tiếp cận với việc làm xanh, cam kết tăng tổng sản phẩm quốc nội đi kèm với việc đảm bảo tiêu chí xã hội và môi trường.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những mục tiêu này không dễ dàng đạt được tại Rio + 20. Vì vậy, để chuẩn bị cho Hội nghị này, từ 10 ngày trước, Liên hợp quốc đã phải tổ chức hàng loạt các sự kiện bên lề, các hội thảo và hội nghị trù bị với sự tham dự của hàng chục nghìn đại biểu. Tuy nhiên, trước thềm Rio +20, vẫn còn có những quan điểm trái ngược về mục tiêu trong văn bản cuối cùng của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Giới phân tích cho rằng các mục tiêu này đều động chạm đến lợi ích của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển. Việc đặt bút ký vào văn bản của Hội nghị Rio + 20 cũng có nghĩa các quốc gia sẽ buộc phải điều chỉnh các chiến lược chính sách riêng của mình, ngân sách quốc gia và nhiều ưu tiên khác. Trong trường hợp phân chia lợi ích không đều, quyền lợi của các nước phát triển và đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng. Đây là lý do khiến các nước khó có thể đặt bút ký thông qua một văn kiện cuối cùng tại Hội nghị Rio + 20. Ngoài văn bản chính trị cuối cùng, tại Rio + 20, nhiều chính phủ, các nhà kinh doanh và các tổ chức quốc tế cũng sẽ phải thông báo các cam kết hoặc sáng kiến thúc đẩy tiến trình hướng tới các mục tiêu “Năng lượng bền vững cho tất cả”, “ Vận tải bền vững”, “Quyền tiếp cận nước sạch”,….

Cách đây 20 năm, Hội nghị thượng đỉnh Rio 1992 đã đề ra Chương trình nghị sự về phát triển bền vững cũng như những dự đoán về sự biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học… 20 năm sau, cũng tại Brazil, Hội nghị thượng đỉnh Rio + 20 được Liên hợp quốc tổ chức với kỳ vọng sẽ đưa ra được hướng đi cụ thể cho sự phát triển vững chắc của loài người trong thời gian tới như tuyên bố của Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Sha Zukang  “phát triển bền vững không phải là một lựa chọn! Đó là con đường duy nhất cho phép  nhân loại chia sẻ một cuộc sống tươm tất trên hành tinh.”. Và Rio+ 20 cho thế giới cơ hội để lựa chọn con đường này./.

Phản hồi

Các tin/bài khác