Ngày 9/12, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Bruxelles (Bỉ). Dư luận cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để EU tìm ra phương sách để cứu vãn EU và đồng tiền chung Euro. Song cho đến nay, hai nước có vai trò trụ cột là Pháp và Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khiến dư luận nghi ngờ về một kết quả như mong đợi.
Cuộc khủng hoảng nợ công đã làm lộ rõ những điểm yếu và các mâu thuẫn của EU. Sau một loạt các biện pháp khẩn cấp mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đưa ra trong các hội nghị trước đây, tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa. Tại Hội nghị thượng đỉnh mới nhất diễn ra hôm 27/10, các thành viên EU đã thỏa thuận thuận về các nội dung chính: tái cấp vốn cho các ngân hàng, tăng Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu (FESF) lên 1000 tỷ Euro và tái cơ cấu nợ công của Hy Lạp. Tuy nhiên, do không huy động được nguồn tài chính cho FESF, quyết tâm này bỗng chốc trở thành một nỗi thất vọng, dẫn đến những suy đoán về ngày tàn của đồng tiền chung Euro. Bởi vậy, mọi hy vọng lại hướng về Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 9/12 này. Tại đây, EU lại hướng tới một quyết định tham vọng khác: Hoặc toàn bộ EU hoặc ít nhất 17 thành viên eurozone sẽ đạt được một cam kết về kỷ luật ngân sách mang tính tập thể và bắt buộc. Hiệp ước về đồng Euro này tiếp đó sẽ dẫn đến việc xem xét lại Hiệp ước Lisbon về cải cách EU. Việc sửa đổi Hiệp ước châu Âu sẽ ấn định cơ chế mới của Liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone).
Tuy nhiên, tham vọng trên có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chèo lái và thuyết phục của Pháp và Đức. Song cho đến nay, lãnh đạo của hai nước được cho là trụ cột chính của EU vẫn còn rất nhiều khác biệt quan điểm. Nếu như Pháp và Đức đồng thuận về mục tiêu “xây dựng lại châu Âu” qua việc hình thành một Hiệp ước Châu Âu mới vào tháng 3/2012, trong đó nổi bật là các điều khoản kiểm soát chặt chẽ hơn thâm hụt ngân sách của các quốc gia thành viên, thì hai nước lại hoàn toàn bất đồng với nhau về các phương tiện cần có để thực hiện mục tiêu này. Đến nay, Đức tiếp tục muốn có một cơ chế giám sát tài chính nghiêm khắc, sẵn sàng đưa ra những trừng phạt bắt buộc và nhiều người cho đây là đòi hỏi hợp lý, bởi Đức là nước cung cấp nhiều tín dụng nhất. Trong khi đó, Pháp không muốn trao vai trò quyết định này cho Ủy ban châu Âu (CE) mà cho lãnh đạo các nước thành viên để tránh tình trạng mất chủ quyền. Trong khi Thủ tướng Đức muốn có một sự cải cách các hiệp ước của 27 nước thành viên EU, thì Tổng thống Pháp cho rằng thủ tục này sẽ lâu dài, phiêu lưu do việc cải cách cần sự phê chuẩn của các nước thành viên, hay vấp phải quyền phủ quyết của Anh-nước vốn không muốn tranh luận về định chế. Pháp chỉ muốn có một thỏa ước chỉ gồm 17 nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone). Mà quả thật, lo ngại của ông Sarkozy không phải không có cơ sở khi mà đến thời điểm hiện tại, Anh vẫn thiếu nhiệt tình với các đề xuất này hơn bao giờ hết, còn Hà Lan và Ailen đang rất lo ngại với việc lại phải tiến hành trưng cầu dân ý như đã làm với Hiệp ước Lisbon trước đây.
Trước ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Meckel, sẽ gặp nhau hôm nay (8/12) tại Marseilles trong hội nghị của đảng Nhân dân châu Âu (PPE), để thể hiện quyết tâm chính trị, dung hòa mâu thuẫn và thuyết phục nhau cũng như thuyết phục các thành viên eurozone chấp nhận các đề xuất chung nhằm cứu vãn EU hiện đang bị đe dọa tan vỡ và cứu vãn đồng tiền chung euro. Các thị trường đang chờ đợi một quyết định rõ ràng tại Hội nghị cấp cao châu Âu vào ngày 9/12. Và lần này, nếu EU thất bại hoặc chỉ đạt được một "thỏa hiệp lỏng lẻo", gánh nặng nợ công của Liên minh này và Eurozone sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều và nguy cơ vỡ nợ sẽ hoàn toàn có thể xảy ra ở một số nước thành viên./.
Đoàn Trung