(VOV5)- Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Tại phiên khai mạc ngày 30-9, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu đề dẫn, nêu bật các vấn đề hội nghị sẽ tập trung thảo luận, trong đó có tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và một số vấn đề quan trọng khác.
|
Quang cảnh buổi khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về phát triển kinh tế xã hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Hội nghị Trung ương 8 đồng thời xem xét Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị phân tích, đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, trọng tâm là việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2014 và hai năm 2014 - 2015 nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Tổng bí thư yêu cầu Hội nghị làm rõ các vấn đề như: kinh tế vĩ mô ổn định đến đâu, liệu có còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng thương mại như thế nào; kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đạt được ở mức nào
Về việc đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tổng bí thư chỉ rõ: Tập trung đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, kịp thời của việc các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, ngay sau Đại hội XI đã quyết định chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ phát triển nhanh sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã đem lại những kết quả như thế nào, có gì cần rút kinh nghiệm; việc thực hiện các mục tiêu Đại hội XI đề ra đạt được ở mức nào, có vấn đề gì mới nảy sinh, xu hướng phát triển trong nửa nhiệm kỳ còn lại ?... Từ đó, chỉ rõ những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là phải ban hành được một Nghị quyết Trung ương xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực giáo luôn được coi là quốc sách hàng đầu này.
Theo Tổng bí thư, Trung ương cần thảo luận, bàn bạc thật kỹ sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt tập trung xác định rõ hơn nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Theo đó, phải chăng đổi mới căn bản là đổi mới từ tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo cùng các cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện. Đổi mới toàn diện là đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục - đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng và xã hội; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý: Theo hướng này, phải chăng có thể thống nhất cao với những đề xuất thuộc về quan điểm như: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực người học, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với quy luật phát triển khách quan, những tiến bộ khoa học và công nghệ.Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa giáo dục.Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu tính liên thông sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra những gợi mở về chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; những nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; kết luận về việc tiếp thu ý kiến nhân dân hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đề nghị Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào từng chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và một số vấn đề còn có các phương án lựa chọn khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoàn chỉnh toàn văn Dự thảo.
Cuối cùng, về công tác xây dựng Đảng, Tổng bí thư cho biết Hội nghị lần này sẽ xem xét, quyết định việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng và thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam./.