(VOV5) - Những thành tựu trong hội nhập quốc tế của Việt Nam trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Hội nhập quốc tế là 1 trong 3 trụ cột mà Việt Nam lựa chọn để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (2013 - 2023), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trên nền tảng này, trong thời gian tới, Việt Nam xác định phải tạo được các bước phát triển mới về chất trong hội nhập quốc tế, đưa đất nước đạt được vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển đất nước.
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế”. Ảnh: VOV |
Việt Nam hiện thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Việt Nam cũng chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (74%) trong giai đoạn 2019 – 2022, năm ngoái đạt 431 tỷ USD.
Coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược
Phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế", ngày 02/08, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng hội nhập quốc tế là việc khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm. Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa, cơ hội về hợp tác quốc tế để tiếp tục tranh thủ, phát huy. Theo đó, phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Để triển khai hiệu quả quá trình hội nhập trong thời gian tới, Việt Nam cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; coi hội nhập quốc tế chính là động lực quan trọng để đổi mới và phát triển. Gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của đất nước trước mọi biến động từ bên ngoài. Phát huy được các nguồn lực bên ngoài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, huy động tài chính, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VOV |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác hội nhập quốc tế cần được triển khai với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt hành động. Hội nhập trên các lĩnh vực cần bổ trợ cho nhau, trong đó hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.
Tạo bước phát triển mới về chất trong hội nhập quốc tế
Để tạo bước phát triển mới trong hội nhập quốc tế, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cần vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).
Cùng với đó là việc tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra: Tiếp tục cụ thể hóa đường lối rất quan trọng của Đảng trong quá trình hội nhập, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước; tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển trong bối cảnh mới.
Tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng chủ động hội nhập kinh tế thực chất và hiệu quả; rồi thực hiện chính sách quốc phòng “4 không” trong hội nhập (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh việc Việt Nam triển khai hiệu quả, nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận và cam kết quốc tế, cả song phương và đa phương trên tinh thần "đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả".
Những thành tựu trong hội nhập quốc tế của Việt Nam trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Hiện tại là thời điểm để Việt Nam cần tạo ra các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác để đưa đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới, tận dụng tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước.