Hội nhập quốc tế và những nhiệm vụ kinh tế đối ngoại trong giai đoạn mới

(VOV5) Tăng cường ngoại giao phục vụ kinh tế là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại quốc gia của Việt Nam trong năm 2012 cũng như trong giai đoạn mới. Dự kiến, vào quý 1 năm 2012, ngành ngoại giao sẽ hoàn thành việc xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có chiến lược hợp tác với từng quốc gia, từng tổ chức, khu vực về xuất nhập khẩu, đầu tư…, để tranh thủ được những nguồn lực lớn hơn cho phát triển đất nước.

 Hội nhập quốc tế và những nhiệm vụ kinh tế đối ngoại trong giai đoạn mới - ảnh 1
Công tác đối ngoại thúc đẩy xuất khẩu 

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2011 ước đạt trên 200 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện có tới 1.500 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ USD. Năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng các nhà tài trợ vẫn dành cho Việt Nam một khoản ODA lên tới 7,88 tỷ USD...Những con số trên phần nào thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đối với triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như nhiệm vụ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế cũng cần phải tiếp tục được làm sâu sắc thêm, trong bối cảnh đất nước cũng như thế giới ở vào giai đoạn phát triển mới.


Tại hội nghị ngành ngoại giao mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành ngoại giao hoàn thành việc xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế trong quý 1 năm 2012 trình Chính phủ:
Bây giờ mình làm mà không có chiến lược, không có mục tiêu rõ ràng thì rất bị động. Trong Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế đó phải có chiến lược hợp tác với từng quốc gia, từng khu vực, với Mỹ, Nga, TQ, ASEAN như thế nào…. Bộ trưởng ngoại giao phải giao các cơ quan đại diện ngoại giao ở từng nước đề xuất chiến lược hợp tác kinh tế với quốc gia đó trong 5-10 năm tới, trên cơ sở đó để triển khai thực hiện.


Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, khẳng định Bộ Ngoại giao đang tập trung tích cực cùng các Bộ, ngành xây dựng Chiến lược tổng thể này, đặc biệt là trong việc tham mưu, đánh giá xu thế tình hình, tương quan lực lượng để có thể đề xuất lựa chọn đúng đối tác kinh tế - thương mại, các bước đi phù hợp, xác định đúng lộ trình, thời điểm. Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ chuyển từ "chiều rộng, gia nhập, ký kết" sang "chiều sâu, tham gia, thực hiện"Chiều sâu nghĩa là đã đến lúc cần nâng tầm các mối quan hệ và tạo dựng các khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại theo hướng dài hạn, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất. Về tham gia, tức là cần thực hiện mạnh mẽ hơn chủ trương là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế tại các tổ chức, cơ chế mà chúng ta đã là thành viên, cần đề cao tiếng nói và vai trò của Việt Nam thông qua chủ động đề xuất các sáng kiến, đi đầu trong một số nội dung hợp tác, tham gia tích cực hơn vào giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, giai đoạn năm - nười 10 năm tới cũng là giai đoạn chúng ta phải thực hiện, hoàn tất các cam kết quốc tế, đó là các cam kết gia nhập WTO, xây dựng cộng đồng ASEAN và các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định mà chúng ta đã ký kết.


Tiếp tục xây dựng các khuôn khổ đối tác chiến lược với các nước trong bước đường hội nhập kinh tế cũng là trọng tâm hoạt động trong năm 2012. Đây là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, tạo môi trường thuận lợi hơn, giữa hai bên có dành cho nhau những chính sách kinh tế ưu tiên, ưu đãi hơn, trong đó có thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển…, đưa mức độ liên kết kinh tế lên một tầm cao mới. 
 Trong chiến lược ngoại giao kinh tế, cộng đồng Việt kiều, với hơn 3 triệu người đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, cũng là một lực lượng rất quan trọng. Họ vừa là nhà đầu tư, chuyển giao công nghệ, trí tuệ về nước, vừa là cầu nối gắn kết Việt Nam với các đối tác kinh tế quốc tế, ngoài làm cầu nối hữu nghị với nhân dân các nước.


Thực tế, thời gian qua, bà con Việt kiều đã làm khá tốt vai trò này, và theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được ưu tiên đặc biệt trong thời gian tới:
Trong thời gian tới, Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường nhằm góp phần nâng cao vị thế, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; củng cố địa vị pháp lý của bà con ở một số khu vực nhằm tạo thuận lợi cho việc cư trú, làm ăn của bà con ở nước sở tại. Ngành ngoại giao cũng sẽ kiến nghị xây dựng các chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào trong các thủ tục về quốc tịch, xác nhận nguồn gốc Việt Nam, Thủ tục và chính sách mua nhà trong nước, đầu tư về nước, miễn thị thực, thăm thân, hỗ trợ các hoạt động giữ gìn truyền thống, văn hoá, tiếng Việt...


Với nền tảng là những thành tựu ấn tượng đạt được thời gian qua, cùng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế, với tầm nhìn dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên, lộ trình và biện pháp cụ thể, ngành ngoại giao đặt mục tiêu hoàn thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mình: ngoại giao phục vụ kinh tế, nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước./.

                                                                                Ánh Huyền

Phản hồi

Các tin/bài khác