(VOV5) - Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII sẽ đề ra những giải pháp hữu hiệu, từ đó phối hợp với Chính phủ và các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn cho nông dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/12, có ý nghĩa quan trọng đối với giai cấp nông dân cả nước. 999 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước tham gia đại hội với mong muốn có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng và phát triển đời sống.
Đại hội VII diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. - Ảnh: Lê Hiếu/Dân Việt
|
Với tinh thần "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước đổi mới của tổ chức hội và phong trào thi đua của nông dân cả nước. Với hơn 10 triệu hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xây dựng, đã và đang từng bước thể hiện rõ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh
Nhiệm kỳ 2013-2018, Trung ương hội kết nạp hơn 2 triệu hội viên, nâng tổng số hội viên cả nước lên hơn 10 triệu hội viên. Các phong trào thi đua lao động, sản xuấtcủa nông dân tiếp tục được các cấp hội chú trọng, trong đó, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Ông Thao Lợi, Chi Hội trưởng Chi hội nông dân Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chia sẻ: "Kỳ vọng dự Đại hội lần này có những giải pháp để hỗ trợ bà con dân tộc phát triển hơn nữa về vật tư nông nghiệp đầu vào. Khó khăn của dân tộc Brâu nói riêng và các dân tộc khác nói chung mong muốn trước hết là thoát nghèo, quan trọng nhất là phát triển kinh tế".
Điểm nhấn đáng chú ý trong những năm qua làphong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân Việt Nam được các cấp hội và hội viên tích cực tham gia. Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ kinh phí, phương tiện sản xuất, cây-con giống, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi... từ đó phát triển nông nghiệp, ổn định và làm giàu bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên, cho rằng: "Các cấp hội nông dân mong muốn Nhà nước, Trung ương Hội nông dân, có thêm các chính sách trong công tác quản lý đất nông nghiệp phù hợp để khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất, yên tâm mở rộng sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Để liên kết được hội viên nông dân lại với nhau thì hội cần có nhiều hơn nữa các chương trình hoạt động để gắn kết hội viên nông dân. Phải thiết thực hơn giúp đỡ trực tiếp đến người nông dân hơn để giúp cho nông dân thấy được quyền và lợi ích của mình trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội".
Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân
Trong nhiệm kỳ Đại hội V và Đại hội VI của Hội Nông dân Việt Nam, các chương trình phối hợp, hợp tác với các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế không chỉ giúp Hội Nông dân Việt Nam tăng cường về năng lực mà còn tạo nguồn lực to lớn để quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội diễn ra mạnh mẽ hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn cho hội viên, nông dân. Thông qua tổ chức của mình, hội viên, nông dân đã biết, hiểu và thực hiện có hiệu quả và được thụ hưởng thành quả cụ thể nhất, rõ nhất chủ trương, đường lối đổi mới và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Theo đó, vai trò, vị trí, uy tín của Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt, được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội, thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, tạo uy tín trong hợp tác đối với các tổ chức quốc tế. Những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam chủ động, tích cực tham gia đề xuất, góp ý xây dựng chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách, nhất là chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng: "Nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, tích cực phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, lao động cần cù, sáng tạo có nhiều khát vọng vươn lên làm giàu, không cam chịu đói nghèo. Diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ nét. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; môi trường nông thôn được cải thiện, an ninh, trật tư cơ bản được giữ vững".
Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII sẽ đề ra những giải pháp hữu hiệu, từ đó phối hợp với Chính phủ và các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn cho nông dân; xứng đáng với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.