(VOV5) - Với chủ đề “Dòng sông hòa bình và phát triển bền vững của chúng ta”, hội nghị hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng.
Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ hai hôm nay khai mạc tại Phnom Penh (Campuchia) với sự tham dự của lãnh đạo 6 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc. Tham dự sự kiện này, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu có những đóng góp tích cực để hợp tác Mekong - Lan Thương đi vào thực chất.
Hội nghị Mekong - Lan Thương được tổ chức hai năm một lần luân phiên giữa các nước thành viên. Hội nghị năm nay do Campuchia và Trung Quốc chủ trì tổ chức. Hợp tác Mekong-Lan Thương đặt trọng tâm vào quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Với chủ đề “Dòng sông hòa bình và phát triển bền vững của chúng ta”, Hội nghị cấp cao MLC lần thứ hai rà soát tình hình hợp tác kể từ sau Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, thảo luận phương hướng hợp tác thời gian tới, thông qua các văn kiện, trong đó có Tuyên bố Phnom Penh, Kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2018-2022…
Cùng sử dụng khoa học, bền vững nguồn nước sông Mekong
Tiểu vùng Mekong có nhiều cơ hội để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ nhưng cũng phải xử lý nhiều thách thức lớn cả về an ninh và phát triển, đặc biệt là suy thoái môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, hợp tác Mekong - Lan Thương có thể đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa 6 nước, hỗ trợ các nước thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.
Tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất (tháng 3/2016), 6 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc thống nhất các định hướng lớn cho cơ chế hợp tác. Từ đó đến nay, hợp tác Mekong - Lan Thương đạt được nhiều tiến triển. Các nước đã hình thành cơ chế đối thoại từ Hội nghị cấp cao, cuộc họp các Ngoại trưởng, cuộc họp SOM. Ngoài ra các trung tâm hợp tác nguồn tài nguyên nước, hợp tác môi trường sông Mekong - Lan Thương,trung tâm nghiên cứu sông Mekong toàn cầu được thành lập. Một số dự án cũng được triển khai như: Diễn đàn hợp tác Phụ nữ, Diễn đàn hợp tác các thành phố du lịch Mekong-Lan Thương; Đưa vào sử dụng Quỹ Hợp tác đặc biệt Mekong - Lan Thương...
Quang cảnh lễ đón tại sân bay quốc tế Pochentong, Thủ đô Phnom Penh |
Tuy nhiên để thực sự phát huy tiềm năng, hợp tác Mekong - Lan Thương cần có cách tiếp cận thực chất, có trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực và phối hợp hài hòa với các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác để tạo cộng hưởng và tác động lan tỏa. Ngoài ra, cần chú trọng quản lý và sử dụng một cách khoa học và bền vững nguồn nước sông Mekong; thúc đẩy kết nối kinh tế trong tiểu vùng; hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững cũng như tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới.
Sự tham gia có trách nhiệm của Việt Nam
Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của hợp tác Mekong-Lan Thương đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mekong, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia ngay từ giai đoạn đầu quá trình hình thành cơ chế hợp tác này. Việt Nam tham dự và có đóng góp quan trọng tại các Hội nghị cấp Bộ trưởng và Hội nghị các quan chức cao cấp. Những đóng góp của Việt Nam, trong đó có các đề xuất về hợp tác nguồn nước, kết nối kinh tế, đã được các nước ủng hộ, khẳng định trong Tuyên bố Tam Á và các văn kiện liên quan của hợp tác Mekong-Lan Thương.
Việt Nam cũng tích cực đề xuất các dự án có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.
Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước tiểu vùng Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính, chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.
Là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước Mekong-Lan Thương thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp trong tiểu vùng nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, bảo đảm hài hòa an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.
Hợp tác Mekong - Lan Thương là một cơ chế hợp tác mở, sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho các nước thành viên. Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ 2 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác Mekong - Lan Thương, thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam, củng cố quan hệ đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia cũng như quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.