Huy động nguồn lực kiều bào để phát triển đất nước

(VOV5) -  Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn được đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, học tập ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.“Diễn đàn trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020” và các cuộc gặp gỡ giữa các cơ quan hữu quan với đại diện Việt kiều vừa diễn ra ngày 7/6 tại Hà Nội là những hoạt động thiết thực để kiều bào đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng quê hương.


Huy động nguồn lực kiều bào để phát triển đất nước - ảnh 1
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với các nhà khoa học, trí thức Việt kiều.


 “Diễn đàn trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Việt Nam, tổ chức. Cũng trong ngày 7/6, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức gặp mặt các chuyên gia, trí thức người Việt nam ở nước ngoài để thảo luận về chính sách và những vấn đề lớn hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững đất nước cho thấy sựu quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức kiều bào.

Kiều bào tâm huyết với những vấn đề của đất nước

Lần đầu tiên, các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có uy tín và nổi tiếng trên các lĩnh vực như: giáo dục đào tạo, tài chính – ngân hàng, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, thiết kế máy bay, chăm sóc sức khỏe… hiện đang công tác ở các trung tâm nghiên cứu, đại học hàng đầu thế giới như Havard, Indiana, Kinh tế Paris…có mặt tại cuộc gặp,  tâm huyết đưa những kiến nghị sâu sắc tới Đảng và Nhà nước về quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.Các nhà khoa học, các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng nhà nước cần quan tâm và đầu tư cho nông nghiệp, mà một trong những trụ cột phát triển nông nghiệp chính là xây dựng và bảo vệ nguồn gen ở Việt Nam. Giáo sư Trần Ngọc Anh, Giám đốc Nhóm sáng kiến Việt Nam, cho rằng nông nghiệp là nền tảng cho phát triển của đất nước tuy nhiên để phát triển cần phải công nghiệp hóa cũng như phải giải quyết tốt vấn đề con người, vấn đề đào tạo nhân lực: “Nông nghiệp là điểm xuất phát của mọi cải cách thành công. Chúng ta đã cải cách thành công nông nghiệp và chúng ta còn rất nhiều tiềm năng. Việc đẩy mạnh Việt Nam là cường quốc nông nghiệp là ý rất hay. Thêm nữa, trong thế kỷ 21 không có nguồn lực nào quan trọng bằng nguồn lực con người. Kế hoạch nâng cao trình độ,  giáo dục kỹ năng là vô cùng quan trọng”.

Các trí thức Việt kiều cũng cho rằng Chính phủ cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong quá trình đất nước bứt phá phát triển, tạo điều kiện và đặt niềm tin để giao những nhiệm vụ rất cụ thể cho các trí thức kiều bào trong nhiệm vụ chấn hưng kinh tế và phát triển đất nước.Các trí thức Việt kiều cũng đóng góp ý kiến để Việt Nam có bước tiến đột phá trong quản lý đất nước thông qua công nghệ thông tin. Đông đảo các trí thức Việt kiều khẳng định sẽ dành thời gian, trí tuệ, kinh nghiệm và các mối quan hệ để góp phần cùng Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giải bài toán phát triển đất nước.

Quan tâm phát huy nguồn lực kiều bào hơn nữa

Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn được đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Điều này đem lại những kết quả đáng khích lệ, số lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước hoạt động ngày càng nhiều. Tại Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan một lần nữa khẳng định: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trí thức là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Kiến thức, kinh nghiệm quản lý, kỹ năng, chất xám, công nghệ,...của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp thêm động lực nâng cao chất lượng phát triển, hội nhập nhanh, bền vững của đất nước. Đảng và Nhà nước luôn trân trọng, tạo điều kiện và đánh giá cao những đóng góp quý báu đó: “Các cơ quan chức năng cần lắng nghe, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để nghiên cứu, phân tích trong quá trình kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách giai đoạn mới. Đồng thời, qua Diễn đàn lần này, tôi hy vọng sự hợp tác giữa các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế được tăng cường nhằm nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thích hợp trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam trong quá trình hội nhập, phát triển”.

Những ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài từ thực tiễn cuộc sống là cơ sở để Đảng và Nhà nước Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác