Hy vọng mong manh

(VOV5) - Cuộc khủng hoảng tại Syria kéo dài 19 tháng qua đang hé lộ những hy vọng mới. Đó là việc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấp nhận ngừng bắn trong thời gian diễn ra lễ hội Eid Al-Adha linh thiêng, Lễ Hiến sinh của người Hồi giáo (từ 26 đến 29/10). Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng quốc tế nỗ lực cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, đồng thời là tiền đề để các bên tại quốc gia Trung Đông này thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu chấm dứt hoàn toàn bạo lực tại Syria theo tinh thần các Nghị quyết 2042 và 2043 của Hội đồng Bảo an về Syria. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phe phái ở quốc gia này vẫn liên tục có những hành động gây hấn thì nỗ lực vừa đạt được chỉ là những hy vọng mong manh.


Hy vọng mong manh - ảnh 1

Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu tại Beirut mới đây (ảnh: AP)


Một ngày trước kỳ lễ Hiến sinh Eid al-Adha, một trong 2 đại lễ quan trọng trong năm của người Hồi giáo, Đặc phái viên chung của Liên đoàn Arab và Liên hiệp quốc về Syria, ông Lakhdar Brahimi, hôm qua thông báo một thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày diễn ra lễ hội, bắt đầu từ ngày 26/10, đã được cả 2 phía của Syria chấp thuận. Trước hết, phải nhấn mạnh rằng, có được kết quả này là từ những nỗ lực không mệt mỏi của ông Lakhdar Brahimi. Trong vai trò sứ giả kiến tạo hòa bình đối với quốc gia Trung Đông đang rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, ông Brahimi trong suốt mấy ngày qua đã thực hiện chuyến ngoại giao con thoi tới một loạt nước trong khu vực, nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Ngay sau thông tin một lệnh ngừng bắn tạm thời được công bố, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ra tuyên bố hoan nghênh kết quả này, đồng thời kêu gọi các bên ở Syria thực hiện nghiêm túc và triệt để. Cùng với đó, ngày 24/10, một thông tin mới hé lộ rằng, LHQ đang có kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Syria nếu các bên thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, việc huy động lực lượng này cần được 15 thành viên HĐBA LHQ thông qua. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Arab và châu Phi của Iran, ông Hossein Amir-Abdollahian cho biết các cuộc đàm phán dân tộc Syria sẽ "sớm" được tổ chức...

Đó là những thông tin hết sức tích cực trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, dư luận e ngại việc thực thi không hề đơn giản. Nó đòi hỏi niềm tin phải được tạo dựng từ hai phía ở quốc gia này cũng như nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế. Thực tế, trở ngại đầu tiên đã xuất hiện ngay sau thông tin mà ông L. Brahimi đưa ra. Theo đó, ngày 24/10, nhóm Hồi giáo Mặt trận Al-Nusra đã từ chối thỏa thuận ngừng bắn tại Syria trong dịp Lễ Eid al-Adha. Tuyên bố của mặt trận này nêu rõ: "Không có thỏa thuận ngừng bắn giữa chúng tôi và chế độ phạm tội đang gây đổ máu cho người Hồi giáo này", đồng thời, cùng ngày, nhóm này đã phối hợp với Quân đội Syria Tự do tấn công căn cứ quân sự Wadi Deif ở tỉnh Tây Bắc Idlib. Trong khi đó, các cuộc giao tranh ác liệt vẫn tràn lan khắp Syria, cả ở xung quanh thủ đô Damascus, thành phố Aleppo, miền Bắc, thị trấn Maaret al-Numan hiện do phe đối lập kiểm soát tại tỉnh Idlib, miền Tây Bắc, và ở tỉnh Darra, miền Nam.

Từ tình hình như vậy, dư luận lo ngại tính bền vững của thỏa thuận ngừng bắn. Vấn đề hiện nay, đó là niềm tin giữa các bên đã bị đổ vỡ. Còn nhớ, hồi tháng 4 năm nay, người tiền nhiệm của ông Lakhdar Brahimi là cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng đã tìm kiếm được 1 thỏa thuận ngừng bắn nhưng thỏa thuận này chưa đầy 24 giờ sau đã bị phá vỡ. Nguyên nhân là cả 2 phía vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn của mình. Còn hiện tại, dư luận cho rằng có nhiều yếu tố để thỏa thuận này rơi vào tình trạng bị vô hiệu hóa. Theo thông tin từ Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, hiện lực lượng đối lập ở Syria đã có trong tay các tên lửa vác vai đất đối không, trong đó có cả tên lửa Stinger của Mỹ. Nguy hiểm hơn, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép quân đội Mỹ triển khai khoảng 70 quả bom hạt nhân B61 ở nước này để sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực. Trong khi đó, các chiến binh nước ngoài liên tục thâm nhập vào Syria, tiến hành các hành động chống phá, lũng đoạn cùng với quân nổi dậy chống chính phủ đã và đang làm cho tình hình tại quốc gia Trung Đông này thêm rối ren, buộc chính phủ phải tiến hành các biện pháp trấn áp mạnh. Điều này đã được cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đưa ra cảnh báo, rằng vũ khí nước ngoài chỉ càng đổ thêm dầu vào cuộc xung đột mà theo ông đã khiến hơn 34.000 người thiệt mạng.

Cùng với đó, áp lực bên ngoài lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cũng không hề vơi giảm. Dọc biên giới dài 900km, tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, những tuần gần đây, Ankara đã tăng cường triển khai quân gây áp lực lên Damascus. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện đang soạn thảo kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên tổ chức quân sự hùng mạnh này. Dư luận cho rằng, chỉ cần một "cái cớ" nhỏ từ "viên đạn lạc" rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria. Bởi từ lâu, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã là "cái gai" cần được nhổ bỏ trong con mắt của giới chức phương Tây.

Nội tại tình hình Syria đã khiến các nhà quan sát đưa ra nhận xét rằng, "cái gật đầu" từ phe đối lập khi chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, có chăng chỉ là mong muốn an lòng vị đặc phái viên chung của LHQ và AL cho nỗ lực bền bỉ của ông trước cộng đồng quốc tế. Còn thực thi được hay không vẫn là một quá trình còn nhiều chông gai./.


 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác