(VOV5)- Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, trong một năm qua, đã góp phần củng cố, nâng cao năng lực của Đảng và tạo sự thống nhất trong công tác xây dựng Đảng. Sau một năm triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này trong toàn Đảng, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng từng bước được nâng cao, từng tập thể, cán bộ, đảng viên đã có giải pháp cụ thể để thực hiện nghiêm túc việc xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW 4.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tại TP Hồ Chí Minh ngày 29/3 vừa qua (ảnh: Vũ Duy) |
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mang tính chiến đấu rất cao, đáp ứng được mong mỏi của toàn dân, toàn Đảng với những giải pháp cụ thể, mà trọng tâm và xuyên suốt là chỉnh đốn Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Cách làm này thể hiện bản lĩnh của Đảng quyết tâm làm trong sạch mình, thẳng thắn soi rọi vào những yếu kém, sai lầm để sửa chữa, khắc phục. Ngay sau khi có Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng với lộ trình, thời gian cụ thể. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng tiến hành kiểm điểm tập thể và từng cá nhân với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không nể nang, né tránh, nêu rõ những việc làm được và chưa làm được, kể cả những vấn đề có trách nhiệm của các nhiệm kì trước. Mọi vấn đề đều được đặt ra phân tích và kết luận rõ ràng, minh bạch. Sau kiểm điểm lắng nghe và tiếp thu góp ý, từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều nhận rõ trách nhiệm trong vị trí mình đã và đang đảm nhiệm, có kế hoạch phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm dưới sự giám sát chặt chẽ của tập thể. Thái độ dũng cảm nhận khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bước đầu đã có sức lan toả mạnh mẽ. Sau đó, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban thường vụ đảng ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở trung ương, ban thường vụ và lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Tuần tự như vậy cho đến từng đảng bộ cơ sở, chi bộ và từng cán bộ đảng viên, tất cả đều làm công việc này với tinh thần thẳng thắn và nghiêm túc như cấp trên đã làm. Ông Lê Khánh Châu, Bí thư chi bộ 10 phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, nhận xét: “Không ai làm cho mình trong sạch bằng tự mình làm cho bản thân và Đảng mình trong sạch cả. Cơ bản là thái độ của mình đối với ưu điểm khuyết điểm của chính mình. Chứ bây giờ mà sợ có khuyết điểm, không nhận khuyết điểm rồi bao che cho khuyết điểm thì không được. Phải thấy cái này tôi làm được, cái này tôi chưa làm được này. Bí thư có ưu điểm thế này, có khuyết điểm thế này. Cái này là do khách quan, cái này là do năng lực, cái này là do trách nhiệm, như vậy thì đảng viên họ cũng thấu hiểu cho. Tôi nghĩ rằng đó là thái độ của đảng viên đối với Nghị quyết Trung ương 4, thái độ của đảng viên đối với Đảng. Chứ không phải là đao to búa lớn, lôi chuyện này chuyện khác, người này người khác ra mà xử lí. Thì cái đó là thành công của Nghị quyết Trung ương 4”.
Quá trình chuẩn bị và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, góp phần củng cố, nâng cao và tạo sự thống nhất tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng, góp phần củng cố, nâng cao và tạo sự thống nhất tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải chỉnh đốn Đảng. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo như Đồng Nai thực hiện bài bản việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân; Thành phố Hồ Chí Minh đề ra 6 nhóm giải pháp với 52 đầu việc cụ thể; Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Phú Yên, Khánh Hòa... kết hợp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với việc quán triệt, tập huấn công tác kiểm tra, giám sát và kỉ luật trong Đảng... Quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành đã tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự soi xét lại mình, qua đó tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động và có giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Về cách làm này, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh giá: “Qua các bước, qua cách làm, tôi thấy Trung ương làm như thế là cũng kín kẽ và cũng kiên quyết, thể hiện rõ thái độ, rõ trách nhiệm, đi vào những lĩnh vực quan trọng về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chấn chỉnh hệ thống tổ chức, xử lí những việc sai trái, những sự việc diễn ra ở các địa phương, ở các nơi, ở Trung ương. Lấy việc phê bình tự phê bình là dịp để kiểm điểm làm rõ và để có chấn chỉnh, khắc phục, xử lí”.
Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương đã và đang tích cực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả như: Bộ Chính trị điều động, luân chuyển một số cán bộ cấp cao; Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, xem xét, xử lí kỉ luật một số cán bộ cấp bộ ngành, tỉnh ủy, thành ủy; Trung ương thành lập lại Ban Nội chính và Ban Kinh tế; thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng; triển khai việc xây dựng qui hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo...
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không phải làm một lần là xong mà phải làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ đối với từng tổ chức cơ sở Đảng cũng như mỗi cán bộ đảng viên. Có như vậy cán bộ, đảng viên mới có điều kiện góp ý cho nhau nhìn thấy khuyết điểm, thiếu sót để kịp thời khắc phục. Việc này góp phần làm chuyển biến tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, uốn nắn kịp thời về tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong từng vị trí công tác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng, đào tạo được nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.