(VOV5) - Căng thẳng tăng vọt trong thời gian gần đây, liên quan đến thương mại, tình báo gián điệp và đại dịch.
Ngày 18/3, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp song phương đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden. Dù hai bên đều thể hiện thiện chí nhưng những khác biệt vẫn còn rất lớn. Do vậy, khó có đột phá trong quan hệ giữa hai cường quốc từ cuộc gặp lần này.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan của Mỹ hôm 18/3 đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Alaska. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục ở trong tình trạng căng thẳng trên nhiều phương diện, từ các vấn đề nhạy cảm như Tân Cương, Hong Kong (Trung Quốc), cho tới an ninh hàng hải, chính sách kinh tế.
Từ trái qua phải, hàng trên: Ông Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì; hàng dưới: Ông Jake Sullivan và ông Vương Nghị. Ảnh: Reuters |
Một cuộc đối thoại chiến lược hay chỉ là cuộc tiếp xúc ban đầu?
Trước hết, hãy xem cách hai bên mô tả về cuộc gặp này. Trong khi các quan chức Trung Quốc gọi cuộc thảo luận tại Alaska là "một cuộc đối thoại chiến lược", thì phía Mỹ cho rằng đây chỉ là lần tiếp xúc ban đầu, để nắm được những mối quan tâm, ý định và ưu tiên của cả hai bên, đồng thời khẳng định hai bên sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào sau cuộc họp.
"Khó có thể tìm ra cách để Mỹ và Trung Quốc tái khởi động quan hệ thành công", là nhận định của các nhà quan sát bởi Washington và Bắc Kinh có quá nhiều bất đồng sâu sắc đến mức khả năng đạt được một thỏa thuận để thay đổi tình thế là gần như không có.
Tiếp theo, những tín hiệu về "lằn ranh đỏ", tức là các vấn đề khó nhượng bộ, được hai bên phát đi trước thềm cuộc họp cho thấy, không thể kỳ vọng nhiều từ hội nghị lần này. Tại cuộc họp báo thường niên Bộ ngoại giao Trung Quốc trước thềm cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề cập đến những "lằn ranh đỏ" này, trong đó bao gồm vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương và Hongkong. Giới chức Mỹ khẳng định sẽ tham gia cuộc đàm phán với một thái độ ngày càng cứng rắn. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng đang cố gắng củng cố quan hệ với các đồng minh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Những người đại diện của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đám phán cấp cao trực tiếp đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 19-3. Ảnh: Reuters |
Ngay trước cuộc gặp 1 ngày, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố, Mỹ trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc liên quan tới sửa đổi luật bầu cử hồi đầu tháng này ở Hong Kong. Washington cáo buộc Bắc Kinh đơn phương huỷ hoại hệ thống bầu cử của Hong Kong. Rõ ràng, đây là một tín hiệu trong kế hoạch gây sức ép với Trung Quốc của tân chính quyền Mỹ về những hành động của Bắc Kinh mà Washington cho là vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng Washington đang can thiệp vào các vấn đề nội bộ của mình.
Theo các nhà quan sát, một trong những vấn đề chung mà hai bên có thể cùng nhau thảo luận chi tiết tại cuộc họp lần này là vấn đề biến đổi khí hậu.
Những tín hiệu kém lạc quan
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều năm. Căng thẳng tăng vọt trong thời gian gần đây, liên quan đến thương mại, tình báo gián điệp và đại dịch.
Tại Diễn đàn Lanting tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 2/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã từng đề xuất 4 kiến nghị nhằm quan hệ giữa hai nước trở lại đúng hướng, gồm: tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tăng cường đối thoại, kiểm soát ổn thỏa mâu thuẫn bất đồng; tiến về cùng một hướng, tái khởi động hợp tác cùng có lợi giữa hai nước; loại bỏ các trở ngại, khôi phục giao lưu trên các lĩnh vực giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ luôn tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc.
Kể từ khi ông Joe Biden lên nhậm chức, có thể thấy Mỹ chưa từng có bước đi nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng về thương mại hay công nghệ, thậm chí còn gia tăng sức ép lớn hơn trên mặt trận nhân quyền nhân quyền liên quan đến đến vấn đề Hongkong và Tân Cương. Đây là những trở ngại lớn cho việc tái cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Dù cuộc gặp song phương đang diễn ra nhưng những phát ngôn phê phán chính sách của đối phương ngay trong phiên khai mạc là sự thể hiện công khai về mối quan hệ căng thẳng sâu sắc giữa 2 bên. Cuộc đối thoại Mỹ - Trung lần này, với sự khởi đầu không suôn sẻ, chỉ có thể là điểm bắt đầu cho các cuộc đàm phán hai bên trong tương lai chứ không đưa ra bất kỳ giải pháp thực chất nào cho căng thẳng giữa hiện nay.