(VOV5) - Năm 2020, mối quan hệ giữa hai nước chứng kiến cạnh tranh toàn diện và đối đầu khốc liệt hơn.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã là tâm điểm của các mối quan hệ quốc tế, nhưng từ khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền ở Mỹ vào đầu năm 2017 tới nay, quan hệ giữa hai cường quốc này chuyển sang giai đoạn mới: cạnh tranh chiến lược toàn diện, đối đầu. Năm 2020, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trên nhiều lĩnh vực.
Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters
|
Kể từ khi Tổng thống D. Trump lên cầm quyền năm 2017, nước Mỹ đã phát động chiến dịch cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc trên nhiều chiến tuyến, coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” số 1 và thực thi những chính sách cứng rắn đối với nước này. Năm 2020, mối quan hệ giữa hai nước chứng kiến cạnh tranh toàn diện và đối đầu khốc liệt hơn.
Cạnh tranh toàn diện trên mọi lĩnh vực
Khởi đầu cho những căng thẳng Mỹ-Trung Quốc năm 2020 là từ khi virus Sars-nCovy bùng phát ở thành phố Vũ Hán. Chính quyền Trump nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch ban đầu và không cung cấp đầy đủ thông tin, gọi "virus Trung Quốc", thậm chí đe dọa trừng phạt và buộc nước này bồi thường những thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang chính trị hóa cuộc khủng hoảng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch yếu kém.
Tiếp đó, tháng 7/2020, Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas, cáo buộc cơ sở ngoại giao này liên quan tới hoạt động gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời yêu cầu đóng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Những động thái "ăn miếng trả miếng" xung quanh vấn đề Hong Kong cũng được đánh giá là một trong các yếu tố "đổ dầu" vào căng thẳng. Phản ứng trước việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới với Hong Kong từ ngày 30/6, Tổng thống D.Trump hôm 14/7 ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại dành cho đặc khu và phê chuẩn Đạo luật Tự trị Hong. Đạo luật này cho phép Washington trừng phạt các quan chức và cảnh sát được cho là xâm phạm quyền tự trị của thành phố, cùng những ngân hàng thực hiện giao dịch quan trọng với họ.
Cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh còn thể hiện rõ trong vấn đề Biển Đông, với những phát ngôn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực, tăng cường hoạt động của các tàu chiến, máy bay quân sự tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Năm 2020, Tổng thống D.Trump ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu TikTok và WeChat, hai ứng dụng hàng đầu do Trung Quốc phát triển - Ảnh: baoquocte.vn
|
Ngoài những xung đột trên, cuộc chiến trên lĩnh vực công nghệ Mỹ-Trung năm 2020 cũng hết sức căng thẳng. Tiếp nối việc đưa vào danh sách đen các chi nhánh của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei năm 2019, năm 2020, Tổng thống D.Trump ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu TikTok và WeChat, hai ứng dụng hàng đầu do Trung Quốc phát triển. Cùng với đó, bổ sung thêm các công ty của Trung Quốc vào "danh sách đen", siết thị thực với các đảng viên Trung Quốc, dừng các chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước…
Điều chỉnh chính sách và đối đầu trực diện
Trong hơn 40 năm qua kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1979), nhiều đời Tổng thống Mỹ đều thực thi chính sách can dự tích cực với Trung Quốc, nghĩa là có hợp tác, có kiềm chế, đồng thời, lôi kéo Trung Quốc tham gia vào hệ thống quốc tế hiện hành, theo luật chơi do Mỹ sắp đặt. Tuy nhiên, với chính sách ngoại giao chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang “hành động nước lớn” của Trung Quốc, mối quan hệ Washington-Bắc Kinh bắt đầu chuyển hướng xấu.
Năm 2020 chứng kiến màn “so găng” quyết liệt giữa hai cường quốc. Sắc lệnh “Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” mà chính quyền Mỹ ban hành tháng 5/2020, được xem là chiến lược mới của Mỹ đối với Trung Quốc, định hình rõ hơn quan hệ Mỹ - Trung so với “Chiến lược an ninh quốc gia” năm 2017. Theo đó, Mỹ điều chỉnh chính sách theo hướng tiếp cận cạnh tranh công khai, quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm ngăn chặn Trung Quốc và bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ. Đáng chú ý, việc áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc đều nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng ở Quốc hội Mỹ.
Có thể thấy, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đang là trục chính chi phối bàn cờ chính trị quốc tế, cặp quan hệ này luôn vận động, biến đổi và không dễ đoán định. Mặc dù sự đối đầu này trên thực tế không sớm chấm dứt, kể cả khi chính quyền mới của Mỹ có sự chuyển giao, nhưng giới phân tích nhận định quan hệ hai cường quốc sẽ không có những xung đột lớn trong năm 2021 bởi vẫn còn nhiều lĩnh vực hợp tác có lợi ích đan xen.