Không thể tùy tiện yêu sách đòi chủ quyền
Ánh Huyền -  
(VOV5) - Yêu sách đường 9 đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) mà Trung Quốc tự vẽ trên biển Đông không chỉ gây phản ứng trong giới học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam, quốc tế mà còn ngay cả trong giới học giả nước này. Mới đây một học giả Trung Quốc, bút danh là Lý Oa Đằng đăng trên diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc Sina bài viết với tựa đề “Cửu đoạn tuyến đích tồn phế” (Đường 9 đoạn, giữ lại hay xóa bỏ) trong đó vạch rõ tính phi lý của yêu sách này. Bài viết cho thấy sự thật bao giờ cũng được tôn trọng và Trung Quốc không thể tùy tiện tuyên bố chủ quyền với cái mà mình chưa từng có.
|
Bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn của TQ hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 - Ảnh tư liệu |
Bài viết của học giả Lý Oa Đằng cho rằng đã từ lâu quan điểm của giới học thuật quốc tế cho rằng tiêu điểm phức tạp của Biển Đông không nằm ở vấn đề chủ quyền của các hòn đảo ở đây, mà chính là vấn đề “đường 9 đoạn”. Đây mới là điều cần phải xử lý đầu tiên cho việc giải quyết hòa bình biển Đông. Theo ông Lý Oa Đằng, các quốc gia ven biển Đông đều có căn cứ, lý lẽ nhất định của mình về chủ quyền các đảo, nhưng chỉ duy nhất yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là chẳng có bất cứ căn cứ gì. Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn nói về “đường 9 đoạn” nhưng thực chất “đường 9 đoạn” là cái gì thì ngay cả bản thân nước này cũng hết sức mơ hồ. Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng chẳng có lấy một văn bản gốc nào tuyên bố hoặc định nghĩa rõ ràng về “đường 9 đoạn”. Trên thực tế, “đường 9 đoạn” liên tục được sửa đổi trên bản đồ Trung Quốc theo cái cách mà họ tự vẽ. Điều này cho thấy “đường 9 đoạn” căn bản không có địa vị pháp luật rõ ràng.
Đây không phải lần đầu tiên giới học giả Trung Quốc lên tiếng phản đối cái gọi là “đường 9 đoạn”. Những lập luận của học giả Lý Oa Đằng hoàn toàn trùng hợp với nhiều ý kiến phản bác “đường 9 đoạn” trước đó. Một bài báo với tựa đề “Ảo tưởng chiến tranh sai trái” đăng tải trên tờ Tin tức Thế giới của Trung Quốc gần đây công khai phản bác yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đồng thời đưa ra cảnh báo: Những kẻ cổ súy cho chiến tranh lại mang tâm thái của kẻ yếu. Lòng tự trọng giả dối và mong manh không thể tạo nên thành công và tinh thần hiếu chiến vô vị chỉ đem lại sự sai trái. Học giả, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng (Hongkong, Trung Quốc) Tiết Lý Thái cũng từng chỉ ra 5 điểm sai của “đường lưỡi bò”. Đầu tiên là việc Trung Quốc mới chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh, cũng như chưa từng có động thái hòng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ “đường 9 đoạn” là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống. Bắc Kinh không đưa ra một định nghĩa, chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của họ thì làm sao mà thuyết phục được người khác? Cũng theo học giả này nếu như Bắc Kinh khẳng định “đường 9 đoạn” là đường biên giới quốc gia thì tại sao trong suốt một thời gian dài kể từ khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã thể hiện chủ quyền đến mấy chục hòn đảo lớn nhỏ mà Trung Quốc không hề nêu ra vấn đề này trong các lần trao đổi ngoại giao? Đồng tình với những luận cứ này, ông Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu lâu năm về biển và luật biển, thẳng thắn cho rằng Trung Quốc không thể lẩn tránh câu hỏi của quốc tế về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò” và chẳng có cách nào khác là phải tuân thủ luật pháp quốc tế tại biển Đông. Đồng tình với bài viết “Đường 9 đoạn, giữ lại hay xóa bỏ” của học giả Lý Oa Đằng mới đây, ông Lý Lệnh Hoa lại một lần nữa lên tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc nghiêm túc xem xét kiến nghị của ông Lý Oa Đằng, sớm bãi bỏ “đường 9 đoạn” phi lý, mở đường cho việc giải quyết tận gốc vấn đề biển Đông.
Rõ ràng là sự mơ hồ, thiếu tính pháp lý của yêu sách đòi chủ quyền “đường 9 đoạn” trên biển Đông của Trung Quốc không thể thuyết phục được những người hiểu bản chất vấn đề. Với việc mặc nhiên coi Biển Đông như là một "vịnh lịch sử” của mình, Trung Quốc dường như đang mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ ngộ nhận "đường 9 đoạn” là đường biên giới quốc gia trên biển. Nhưng sự thật chắc chắn phải được tôn trọng, bởi trong một thế giới toàn cầu hóa, lẽ nào người ta lại có thể dễ dàng tin vào những chứng cứ không rõ ràng, xét cả về mặt lịch sử, pháp lý lẫn thực tiễn khoa học?./.
Ánh Huyền