Kiên quyết chống tham nhũng bằng những biện pháp cụ thể

(VOV5)- Trong phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, diễn ra hôm qua tại Hà nội, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn nữa.

Kiên quyết chống tham nhũng bằng những biện pháp cụ thể - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Tuấn

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong năm qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhờ vậy, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.


Hoàn thiện hệ thống các quy định về phòng, chống tham nhũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Tổng bí thư đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 và một số luật đã được Quốc hội thông qua và tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp. Theo Tổng bí thư, phải kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.


Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tham nhũng

Theo Tổng bí thư, cần dấy lên trong dư luận xã hội thái độ phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng. Nhận thức đúng về trách nhiệm trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng  trong từng cấp uỷ, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong từng cán bộ, đảng viên. Nhận thức rõ và hiểu biết thật sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, nội dung các quy định của Ðảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó lấy phòng ngừa là chính và việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng cũng có tác dụng tích cực để răn đe, phòng ngừa tham nhũng.


Nâng cao năng lực cán bộ, đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rõ các cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng bí thư nhấn mạnh: Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. Một mặt, phải tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền đặc lợi, tự giác chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế. Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.


Phòng chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham những lớn trong giai đoạn tới: Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của pháp luật. Cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vụ tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức. Kiên quyết xử lý kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác phòng chống tham nhũng; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng chính là động lực tạo niềm tin xã hội để Việt Nam phát biểu bền vững./.

Phản hồi

Các tin/bài khác