Kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hòa bình

(VOV5) -  Bên cạnh nhiệm vụ đi trước mở đường thiết lập các mối quan hệ đối ngoại, ngành ngoại giao Việt Nam còn phải gánh vác một trọng trách to lớn, hết sức phức tạp là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.


Đường lối đối ngoại này đã được nêu rõ trong văn kiện Đại hội lần thứ 12 của Đảng và một lần nữa được nhấn mạnh và khẳng định lại tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 đang diễn ra tại Hà Nội.

Kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hòa bình - ảnh 1
Thuyền của ngư dân Việt Nam


Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam hiện nay. Song tình hình chính trị - an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến khó lường. Ngay ở Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á cũng đang diễn ra những thay đổi rất phức tạp. Trong đó, vấn đề Biển Đông đang trở thành một trong những vấn đề thời sự nóng được dư luận khu vực và quốc tế rất quan tâm, nhất là kể từ sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippin và Trung Quốc, trong đó làm rõ những luận điểm còn tranh cãi trong Công ước về Luật Biển 1982.

 

Trước những diễn biến đó, quan điểm của Việt Nam về vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo đó là vừa kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải giữ vững môi trường hoà bình và hợp tác để phát triển.

Giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình

 

Vấn đề Biển Đông từ lâu luôn là một điểm nóng trong khu vực và ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây do tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền và cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, tạo nên tình trạng bất ổn. Với vị trí địa lý có hơn 3.000km biển, Việt Nam là một quốc gia chịu tác động trực tiếp đến môi trường an ninh ở Biển Đông. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của mình ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó Trường Sa là khu vực có tranh chấp giữa 5 nước, 6 bên ở các đảo đá ở quần đảo này. Và ngành ngoại giao tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng CSVN đó là kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đàm phán và tôn trọng luật pháp quốc tế: “Quan điểm của Việt Nam phải đảm bảo chủ quyền ở các đảo của Việt Nam hiện nay đang quản lý, giữ vững chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng phải đảm bảo được chủ quyền của chúng ta là 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, theo luật pháp quốc tế. Những vấn đề gì liên quan đến tranh chấp giữa hai nước thì hai nước bàn bạc. Tranh chấp giữa nhiều nước thì nhiều bên cùng tham gia giải quyết. Tôi xin nhắc lại chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở phải tôn trọng luật pháp quốc tế, và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó là chủ trương của chúng ta”.

Một môi trường hòa bình, ổn định là lợi ích chung

Trước những ý kiến lo ngại về khả năng nước lớn leo thang ở Biển Đông nếu như các bên không có các động thái đủ mạnh mẽ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng Biển Đông không phải là vấn đề riêng của khu vực. Các nước trong và ngoài khu vực phải có trách nhiệm chung để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải. Càng là nước lớn thì càng phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định. Điều cần khẳng định hiện nay là tất cả các bên trong ngoài khu vực đều thể hiện mong muốn một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Nếu để leo thang căng thẳng thì chẳng bên nào được lợi, có thể làm cản trở quá trình phát triển đất nước, ảnh hưởng đến vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Cùng quan điểm, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi nhận định: “Tuy tình hình Biển Đông đánh giá phức tạp nhưng tôi lại hết sức lạc quan. Hiện nay, Trung Quốc là nước lớn đang trỗi dậy hết sức mạnh mẽ và sự tập hợp lực lượng trên thế giới đang diễn ra đa tầng nấc, nhưng có thể nói tất cả các nước lớn đều mong muốn duy trì một khuôn khổ quan hệ hòa bình. Một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định cũng là lợi ích của Trung Quốc. Tôi chưa thấy hiện nay một nước nào phát biểu mà đề cập đến chiến tranh. Điều này cho thấy lợi ích giữa Việt Nam cũng như các nước khu vực và các nước lớn đều có điểm đồng, đó là hết sức mong muốn có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

Mới đây, vấn đề Biển Đông có thêm tín hiệu tích cực khi ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), dự kiến vào năm 2017. Đây sẽ là một công cụ pháp lý đóng góp gìn giữ hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 ngày 22/8, Tổng bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong một thế giới đầy biến động, hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hoà bình hữu hiệu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp. Quán triệt đường hướng này, ngành ngoại giao Việt Nam đang tiếp tục nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia, gìn giữ môi trường hòa bình cho sự phát triển của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác