Kiều hối – một nguồn lực quý

Kiều hối là một nguồn lực quý bởi trước hết đây là một nguồn lực lớn, sau nữa nó thể hiện tình cảm và lòng tin đối với người thân, quê hương, đất nước, đồng thời cũng là minh chứng về sự hấp dẫn và ổn định của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.


Kiều hối – một nguồn lực quý  - ảnh 1

Lượng kiều hối theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các khoản tiền gửi từ nước ngoài về cho các cá nhân ở Việt Nam, bao gồm số tiền từ Việt kiều – những người Việt Nam đã định cư lâu dài ở nước ngoài gửi về giúp gia đình và người thân ở trong nước, số tiền gửi từ những người lao động, kết hôn, học tập ở nước ngoài, từ việc đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán, mua cổ phiếu, mua nhà đất, gửi ngân hàng.

Bà Drina Yue - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Western Union khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận xét, với khoảng 4 triệu người Việt, trong đó có khoảng 400.000 lao động đang làm việc, sinh sống và học tập ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam là 1 trong 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất.

Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền mà số lao động này gần đây gửi về nước trong 1 năm trên dưới 1,8 tỷ USD, bình quân 1 lao động thu nhập đến trên dưới 4.500 USD, tương đương với khoảng 90 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay. Lượng tiền gửi về Việt Nam đã tăng dần qua các năm và ngày càng trở thành nguồn lực đáng kể cho nền kinh tế. 10 năm trở lại đây, nguồn kiều hối gửi về từ mức 1,34 tỷ USD vào năm 2000 đã tăng lên 8,26 tỷ vào năm 2010 và năm 2011 dự kiến đạt 9 tỷ USD.

Điều rất đáng chú ý là lượng kiều hối lớn và tăng đã góp phần vào cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam, tăng dự trữ ngoại tệ, giảm áp lực tăng tỷ giá. Ngay từ năm 2011 này, cán cân thanh toán đã có số dư vượt dự đoán sau 2 năm bị thâm hụt, dự trữ ngoại tệ đã tăng.

Đối với nhiều gia đình có lượng ngoại tệ gửi về đã trang trải cuộc sống, mở lối làm ăn mới; nhiều lao động đi xuất khẩu lao động đã có một lượng vốn kha khá, học tập được tác phong công nghiệp,… và đầu tư lập lên trang trại, cửa hàng, tổ sản xuất, góp phần ổn định xã hội.

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có quy mô lớn và gia tăng do nguyên nhân.

Có nguyên nhân Việt Nam có số lượng kiều bào ở nước ngoài khá đông đảo (hơn 3 triệu người), một bộ phận nhờ cần cù và có trí tuệ làm ăn phát đạt và nặng lòng với người thân, với quê hương đất nước, bên cạnh đó là lượng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Có nguyên nhân quan trọng là sự đổi mới đất nước và sự thông thoáng, cởi mở về chính sách đối với kiều hối. Sự cởi mở, thông thoáng này được thể hiện trên nhiều điểm, trong đó có một số điểm đáng lưu ý. Mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân. Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh. Cho phép nhận ngoại tệ tiền mặt hoặc mở tài khoản ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại. Phí chuyển tiền được quy định ở mức rất thấp, chỉ 0,05% tiền chuyển về. Không hạn chế số ngoại tệ chuyển về. Người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập. Nhà nước cho phép nhiều tổ chức tham gia vào chuyển tiền kiều hối, như các ngân hàng thương mại, bưu điện, công ty làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối. Người nhận kiều hối không bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại theo tỷ giá quy định, mà được nhận đúng ngoại tẹe chuyển về, hoặc bán cho ngân hàng thương mại là quyền của họ.

Có nguyên nhân do các ngân hàng thương mại, bưu điện, công ty dịch vụ kiều hối phát triển nhanh chóng, hoạt động hiệu quả, tạo thuận tiện cho người nhận kiều hối. Trong đó những đơn vị có doanh số lớn, như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Công ty kiều hối của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, Công ty Kiều hối Sacomrex thuộc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín,.. Các ngân hàng có mạng lưới chi trả kiều hối rộng khắp; thủ tục đơn giản, khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng chuyển và nhận kiều hối, thời gian nhanh, nhận tại nhà,…

Lãi suất gửi tiết kiệm của nội tệ hiện cao hơn của ngoại tệ nên thu hút lượng kiều hối về bán cho ngân hàng, gửi tiết kiệm. Chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng không đáng kể nên các ngân hàng đã thu mua được USD nhiều hơn trước.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng 9 tỷ USD kiều hối trong bối cảnh này rõ ràng đã chứng minh ở một góc độ nào đó sự hấp dẫn và ổn định của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Vấn đề quan trọng trong việc thu hút kiều hối hiện nay là Nhà nước cần khuyến khích người nhận kiều hối bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại lấy tiền đồng gửi tiết kiệm, hoặc hướng việc sử dụng kiều hối đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh.

Ngọc Minh (Chinhphu)

 

Phản hồi

Các tin/bài khác