Kiều hối - nguồn lực lớn cho phát triển

(VOV5)- Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Năm 2012, bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới, kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn xấp xỉ 10 tỷ USD. Kênh ngoại tệ này đã góp một nguồn lực không nhỏ trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, có vai trò quan trọng tương ứng các nguồn vốn viện trợ hay nguồn vốn phát triển.


Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam đạt hơn 70 tỷ USD. Kiều hối đã góp phần bổ sung một nguồn ngoại tệ ổn định cho Việt Nam, hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc gia, giảm áp lực gia tăng tỷ giá. Trong hai năm 2011, 2012, cán cân thanh toán đã có số dư vượt dự đoán, sau vài năm bị thâm hụt. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ ngoại giao), nhận định: “Bốn năm trở lại đây, lượng kiều hối bà con gửi về năm sau cao hơn năm trước từ 10 - 15%. Mặc dù kinh tế thế giới có những biến động không tốt nhưng bà con vẫn gửi về nước để đầu tư. Theo kênh giám sát của Ủy ban giám sát tài chính Ngân hàng Nhà nước thì năm nay kiều hối xấp xỉ 10 tỷ USD. Điều này cho thấy khó khăn của kinh tế thế giới không phải là thách thức với bà con. Vấn đề chính là  tình cảm bà con dành cho đất nước vẫn lớn.”.


Nếu như trước đây, kiều hối chủ yếu tập trung vào tiêu dùng thì vài năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến các cơ hội đầu tư sinh lời tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có trên 2.000 dự án do kiều bào đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 6 tỷ USD, trải rộng ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghiệp, bất động sản, du lịch. Ông Hoàng Văn Lâm, Việt kiều Mỹ, cho biết: “Ngày nay, cùng với sự mở cửa, Việt Nam đã có những ưu đãi, tạo điều kiện tốt cho kiều bào gửi vốn về đầu tư. Việt kiều được đứng tên trong giấy phép kinh doanh, được sở hữu như người sở tại. Những người Việt ở nước ngoài không dành được 100% thời gian ở Việt Nam nhưng nhờ có điều kiện tốt về mặt pháp lý nên yên tâm gửi tiền đầu tư về nước hơn.”.


Lượng kiều hối có quy mô lớn và gia tăng chuyển về Việt Nam qua nhiều nguồn. Hiện nay, Việt Nam có hơn 4,5 triệu kiều bào ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, kiều hối gia tăng còn do nhà nước cho phép nhiều tổ chức tham gia vào chuyển kiều hối như các ngân hàng thương mại, bưu điện, công ty làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối.


Kiều hối đang trở thành nguồn lực đáng kể đối với nền kinh tế nên việc thu hút nguồn lực này là nhiệm vụ được Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện huy động và chi trả thuận tiện. Theo Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, năm 2013, Uỷ ban tiếp tục đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến Luật quốc tịch 2008 để tạo thuận lợi trong các thủ tục liên quan đến quốc tịch, sở hữu nhà ở, đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước nghiên cứu để ban hành thêm các chính sách khuyến khích người nhận kiều hối bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại hoặc hướng việc sử dụng kiều hối đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng phối hợp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, góp phần thu hút kiều hối. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Chúng ta tiếp tục triển khai toàn diện Nghị quyết 36 của Bộ chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp và cơ chế bảo đảm những quyền lợi chính đáng của Kiều bào nhằm động viên Kiều bào góp phần xây dựng đất nước. Chúng tôi cũng  hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng hiệu quả và thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để Kiều bào đóng góp xây dựng đất nước.”


Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp vào danh sách những nước có nguồn kiều hối dồi dào, chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP. Vì vậy việc thu hút và tận dụng hiệu quả nguồn lực này đã và sẽ góp phần quan trọng công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác